Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Năm 2022, ngành GD&ĐT sẽ khắc phục những hạn chế, điểm yếu do tác động của dịch Covid-19

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề cập đến những khó khăn mà ngành Giáo dục phải đối mặt trong năm 2021 do dịch Covid-19, đồng thời, chỉ ra những việc đã làm được và những điều còn “đáng tiếc” của năm qua.

Học sinh tiểu học học online phòng, chống dịch Covid-19.

Học sinh tiểu học học online phòng, chống dịch Covid-19.

Thích ứng linh hoạt, hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh

Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành Giáo dục. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi; gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.

Theo thống kê, tính đến ngày 9/1/2022, cả nước có 9 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh trên địa bàn; 35 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến và 19 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Trong điều kiện khó khăn, ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động để ứng phó với dịch Covid-19 nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các hoạt động của ngành.

Các cơ sở giáo dục đại học chủ động tổ chức cho sinh viên học tập trực tuyến để hoàn thiện khối lượng chương trình và bảo đảm chất lượng đào tạo cũng như kế hoạch học tập năm học 2021 - 2022; tích cực tham gia xây dựng, phát triển hệ thống trực tuyến đại chúng mở và các khóa học trực tuyến dùng chung nhằm tạo ra một nền tảng để kết nối chia sẻ học liệu và thúc đẩy tổ chức dạy học trực tuyến trong các cơ sở đào tạo.

Trong năm, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Đến ngày 30/11/2021, riêng ngành Giáo dục đã huy động được 146,892 tỷ đồng, 30.612 máy tính bảng, 31.305 điện thoại thông minh và 99.479 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác. Tính đến ngày 31/12/2021, Bộ đã phân bổ 87.756 máy tính cho 20 tỉnh, thành phố.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục mầm non linh hoạt, đảm bảo an toàn cho trẻ em. Xây dựng tài liệu, học liệu trực tuyến, video nhằm hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non tại gia đình.

Bộ đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 6; thẩm định sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 và biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc. Thực hiện điều chỉnh quy trình thẩm định sách giáo khoa nhằm nâng cao chất lượng sách giáo khoa trong thời gian tới.

Trao máy tính bảng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trao máy tính bảng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia tiếp tục đổi mới và đạt được kết quả tốt; các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích cao,  có 37/37 lượt học sinh dự thi và đều đoạt giải. Trong đó, Chủ tịch nước đã trao 6 Huân chương Lao động hạng Nhì, 11 Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng 6 Bằng khen cho các học sinh có thành tích xuất sắc.

Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT (2 đợt) và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021 đảm bảo nghiêm túc, an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Xét đặc cách tốt nghiệp cho 14.645 thí sinh đủ điều kiện, nhằm bảo đảm quyền lợi của các thí sinh có nguyện vọng nhưng không tham gia dự thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, mặc dù còn một số việc, nội dung chậm, muộn, song nhìn tổng thể năm 2021, ngành Giáo dục đã đương đầu với thách thức, bền bỉ ứng phó với dịch bệnh và đã làm được nhiều việc. Đặc biệt trong khó khăn, hơn 1,5 triệu nhà giáo đã thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, trách nhiệm, đã hành động vì nghề và vì học sinh.

Từ những việc đã làm được và những việc chưa làm được của năm qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, bài học kinh nghiệm rút ra là phải đặc biệt lưu ý tới thực tiễn, bám sát thực tiễn. Thời gian qua, nhiều việc đã được chỉ đạo và thực hiện sát với thực tiễn nhưng cần phải tăng cường hơn nữa.

Năm 2022 các trường ĐH, CĐ tích cực đưa sinh viên trở lại trường học tập

Nhấn mạnh tới các nhiệm vụ lớn của năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay: Trước hết, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ có tính thời sự là chống dịch Covid-19, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục và đào tạo. Trong đó, sớm hoàn thành chiến lược ứng phó toàn diện với dịch bệnh của ngành Giáo dục.

Năm 2022 các trường ĐH, CĐ tích cực đưa sinh viên trở lại trường học tập.

Năm 2022 các trường ĐH, CĐ tích cực đưa sinh viên trở lại trường học tập.

Trước thực tế có khoảng 70.000 sinh viên đại học chưa thể tốt nghiệp ra trường do dịch bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các trường đại học, cao đẳng tích cực hơn nữa đưa sinh viên trở lại trường học tập. Cùng với đó tăng cường bù đắp chất lượng giáo dục đại học, sau đại học cho sinh viên, học viên.

Trong năm 2022, ngành Giáo dục cũng sẽ tập trung hoàn thành, ban hành Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện để ban hành các văn bản quản lý điều hành, trong đó lưu ý những văn bản quản lý điều hành khắc phục những hạn chế, điểm yếu do tác động của dịch bệnh.

“Đối với giáo dục phổ thông, năm 2022, 2023 được xác định 2 năm trọng yếu trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, vì vậy, cần phải nhìn thấy hết thách thức đặt ra về nguồn lực, điều kiện thực hiện để có phương án khắc phục và triển khai. Ngoài ra, kỳ thi THPT và triển khai tự chủ đại học còn nhiều thách thức, cần phải có các giải pháp, hành động ráo riết hơn”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.