Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nam Định triển khai hiệu quả dự án hỗ trợ sản xuất góp phần giảm nghèo bền vững

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, dự án thuộc chương trình, đặc biệt là dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo. Nhờ đó, đời sống của các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn đã có bước chuyển biến rõ rệt.

Theo Sở LĐ-TB&XH Nam Định, mục tiêu của Chương trình  giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn là: Giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mục tiêu cụ thể là tỷ lệ hộ nghèo duy trì mức giảm hàng năm từ 0,05 - 0,1%; đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025).

Để thực hiện được các mục tiêu này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 860/QĐ-UBND ngày 6/5/2022 thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025 để xây dựng các kế hoạch thực hiện các chính sách, dự án, hoạt động của chương trình lồng ghép vào các chương trình kinh tế - xã hội, phong trào của địa phương và tuyên truyền về các chính sách, dự án giảm nghèo; tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, dự án cũng như các hoạt động thuộc chương trình được triển khai trên địa bàn tỉnh. Nam Định đã triển khai hiệu quả các dự án thành phần trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo.

Thực hiện Dự án hỗ trợ sản xuất, tỉnh đã triển khai nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức sản xuất… cho hộ nghèo và cận nghèo gắn với quy hoạch sản xuất, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định, đối tượng được hỗ trợ là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên địa bàn toàn tỉnh. Các đối tượng này sẽ được ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật, tư vấn chuyển giao kỹ thuật; cung cấp cây trồng, vật nuôi, vật tư, công cụ, dụng cụ sản xuất, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và hỗ trợ khác theo quy định.

Tỉnh cũng tổ chức tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả. Phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng.

Nam Định: Triển khai hiệu quả dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế góp phần giảm nghèo bền vững

Nam Định: Triển khai hiệu quả dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế góp phần giảm nghèo bền vững

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định, căn cứ văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Nam Định đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, 6/10 huyện, thành phố (gồm huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Trực Ninh, Nam Trực, Giao Thủy, Vụ Bản) đã tham gia với 5 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Tiêu biểu là dự án chăn nuôi gà; dự án chăn nuôi gà nội thương phẩm; dự án chăn nuôi lợn thịt và lợn móng cái sinh sản; dự án chăn nuôi lợn móng cái sinh sản và dự án sản xuất cà chua an toàn. Quy mô thực hiện từ 15 - 70 hộ/dự án. Tổng số hộ tham gia là 488 hộ, trong đó: 379 hộ cận nghèo, 98 hộ nghèo, 9 hộ mới thoát nghèo và 2 hộ dân tộc thiểu số.

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định, các dự án xây dựng đảm bảo phù hợp khả năng, điều kiện của các hộ tham gia, đáp ứng được yêu cầu của quy hoạch phát triển sản xuất từng địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhờ những giải pháp tích cực nêu trên, sau 1 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, công tác giảm nghèo đa chiều ở Nam Định đã đạt kết quả đáng khích lệ. Nếu cuối năm 2021, toàn tỉnh có 11.088 hộ nghèo (tỷ lệ 1,74%); 32.062 hộ cận nghèo (tỷ lệ 5,04%) thì đến hết năm 2022 đã giảm xuống còn 8.522 hộ nghèo (tỷ lệ 1,32%); 22.241 hộ cận nghèo (3,45%). Đặc biệt,  tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh đã giảm từ 6,78% (cuối năm 2021) xuống còn 4,77% (cuối năm 2022) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.