Đây là lần đầu tiên Hội nghị được tổ chức với sự tham gia của cán bộ cao cấp, gồm toàn thể Lãnh đạo Tổng cục GDNN, Lãnh đạo các Vụ, Đơn vị của Tổng cục GDNN và các chuyên viên trong diện quy hoạch lãnh đạo cấp Vụ thuộc Tổng cục; thành viên các tổ, nhóm xây dựng các đề án, chiến lược năm 2021 cùng với 50 Hiệu trưởng các trường cao đẳng trên cả nước dự thính thông qua hình thức trực tuyến.
Trong bối cảnh năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Trước yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thị trường lao động trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, xã hội số, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các Hiệp định thương mại thế hệ mới, dịch bệnh Covid-19 và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế đòi hỏi sự đáp ứng linh hoạt của hệ thống GDNN; với quan điểm phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030 theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận và công bằng, với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cấp kỹ năng nghề nghiệp suốt đời của người lao động để đáp ứng yêu cầu của vị trí làm việc; đổi mới đào tạo nghề nghiệp; gắn giáo dục nghề nghiệp với việc làm và thị trường lao động; từng bước đưa giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế. Trước yêu cầu đổi mới về giáo dục nghề nghiệp, thực hiện thành công mục tiêu trên cần phải tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, mà trước tiên đội ngũ cán bộ quản lý của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Lãnh đạo các trường được quy hoạch là trường chất lượng cao là giải pháp đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030.
Phát biểu chỉ đạo định hướng và khai mạc hội nghị, TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN khẳng định mục tiêu của hội nghị là nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giúp cán bộ quản lý nắm bắt được các xu hướng về GDNN trên thế giới và định hướng của Việt Nam. Qua đó nắm bắt các cơ hội, thách thức, xu hướng phát triển của GDNN để đổi mới tư duy, nắm bắt thời cơ đón đầu xu hướng phát triển để đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN Việt Nam theo hướng mở, linh hoạt, hội nhập. Tổng cục trưởng nhấn mạnh, xu hướng hiện nay, vị trí, vai trò kỹ năng nghề của GDNN, nhân lực có kỹ năng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nền kinh tế sẽ hiệu quả hơn, qua đó thúc đẩy hiệu quả đầu tư. Thực tế đã cho thấy các quốc gia thịnh vượng phát triển là các quốc gia có nguồn lao động có kỹ năng nghề cao. Chính vì vậy, các quốc gia đều có xu hướng chuyển dịch, quan tâm đến GDNN, tái thiết lập hệ thống GDNN để đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề cao phục vụ cho sự phát triển.
Dự báo với sự phát triển của khoa học công nghệ, vấn đề kỹ năng lao động cần được nâng cao, với khoảng 10-30% công việc thay đổi, sẽ có đến 40% lực lượng lao động không đáp ứng được nhu cầu thay đổi của công việc. Tự động hoá, song song với dịch bệnh Covid sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, do đó dự báo 85 triệu việc làm thay đổi do phân công lại việc làm giữa người và máy, 97 triệu việc làm mới sẽ xuất hiện và do đó có đến 40% người lao động cần đào tạo lại, các nhân viên cần đào tạo, bổ sung các kỹ năng mới.
Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng khẳng định, 20 năm qua, GDNN Việt Nam có nhiều chuyển biến, nhiều quy định mới về thể chế được xây dựng, ban hành đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc góp phần đưa GDNN phát triển, đóng góp chung vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Với định hướng phát triển GDNN trong thời gian tới, văn kiện của Đảng đã chỉ rõ hướng phát triển hệ thống GDNN mở, linh hoạt, phát triển các cơ sở GDNN chất lượng cao, đổi mới phương pháp đào tạo, hiện đại hoá cơ sở vật chất. Với xu thế phát triển hiện nay, GDNN cần phải đáp ứng yêu cầu nhân lực cho nên kinh tế, vừa đào tạo mới nhưng xu thế đào tạo lại là tất yếu, để cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động, đáp ứng đổi thay của công việc. Đứng trước yêu cầu đó, hệ thống GDNN cần đổi mới, đặt ra cho mình mục tiêu cụ thể để xây dựng chiến lược phát triển trong tình hình mới, mà ở đó sự đổi mới phải được thực hiện đồng bộ từ thể chế, chính sách, công tác điều hành chỉ đạo quản lý tới các cơ sở GDNN. Để thực hiện nhiệm vụ đó, trước hết Tổng cục xác định yếu tố con người là quan trọng, do vậy các lớp tập huấn, chương trình hội nghị để nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý là yêu cầu cấp thiết.
Trong thời gian 2 ngày, 12 và 13/3/2021 các giảng viên là các chuyên gia của GIZ, Đại sứ quán Úc, Unesco, ILO… và chuyên gia đại diện một số cơ quan, tổ chức có liên quan sẽ trình bày và thảo luận về các nội dung, mô hình, tình hình GDNN trên thế giới và trong nước về các vấn đề thực tiễn, và yêu cầu của GDNN trong thời gian tới. Đó là: Quản lý nhà nước về GDNN của Úc và khuyến nghị cho Việt Nam do bà Jen Bahen, tham tán giáo dục và nghiên cứu đại sứ quán ÚC trình bày; Chiến lược đào tạo nghề của UNESCO do ông Michael Croft - Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) tại Việt Nam và ông Toshiyuki Matsumoto, Trưởng Ban Giáo dục, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trình bày; Khung năng lực của cán bộ quản lý về giáo dục nghề nghiệp và khuyến nghị cho Việt Nam do ông Stefano Merante - Chuyên gia của Trung tâm đào tạo quốc tế (ITC) của ILO tại Turin, Ý trình bày trực tuyến từ Turin, Ý; nâng cao năng lực về kỹ năng chuyển đổi, kỹ thuật số cho đội ngũ lãnh đạo quản lý DVET do ông Paul Comyn- Chuyên gia cao cấp về kỹ năng và việc làm, Ban chính sách việc làm, Trụ sở chính của ILO tại Geneva trình bày trực tuyến từ Geneva, Thụy Sỹ; mô hình quản lý nhà nước và vai trò của nền kinh tế đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp do ông Jurgen Hartwig, Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam trình bày; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, do TS. Phan Chính Thức, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN trình bày; nhu cầu nhân lực qua đào tạo GDNN đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư do TS. Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng, Viện Khoa học Lao động và xã hội trình bày; chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp do TS. Nguyễn Nhật Quang - Viện trưởng, Viện Khoa học công nghệ Vinasa trình bày.
Qua mỗi bài trình bày, các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận sâu về các vấn đề liên quan tới GDNN của Việt Nam với GDNN của các nước, tìm ra những nội dung phù hợp để vận dụng vào GDNN Việt Nam. Thực tế cho thấy, GDNN Việt Nam đã từng bước hội nhập và nắm bắt kịp xu thế phát triển của gdnn của các nước phát triển, nhiều mô hình được vận dụng thành công như đào tạo kép, chuyển giao đào tạo theo các chương trình của Úc, mô hình 9+...
Hy vọng rằng qua hội nghị, sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của Tổng cục và lãnh đạo các cơ sở GDNN có thêm những kiến thức chung qua đó khơi dậy tinh thần đổi mới và sáng tạo trong công việc của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức của Tổng cục; phát huy kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành và triển khai nhiệm vụ để góp phần thực hiện thành công mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.