Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh: Tạo sự bứt phá, tăng tốc công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm

(Dân Sinh) - Những tháng đầu năm 2019, Hà Tĩnh đã tạo sự bứt phá và thực hiện vượt kế hoạch về các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Đặc biệt là các chỉ tiêu đào tạo nghề, chỉ tiêu giải quyết việc làm… đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Những kết quả nổi bật về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong những tháng đầu năm 2019 đã đánh dấu sự quyết tâm của Hà Tĩnh trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Trong 8 tháng đầu năm, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Nghị quyết số 36/NQ và 56 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về đào tạo sơ cấp nghề, dạy nghề dưới 3 tháng; hoàn thiện, xin ý kiến các địa phương, đơn vị, dự thảo Đề án sáp nhập trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn.  

Đánh giá, sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao", 3 năm thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, 10 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phân bổ kinh phí Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp năm 2019 số tiền 17 tỷ đồng cho các trường: Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức, Cao đẳng Y tế, Cao đẳng Nguyễn Du, Trung cấp nghề Hà Tĩnh, Trung cấp Kỹ nghệ về đầu tư trang thiết bị đào tạo ngành nghề trọng điểm, kinh phí kiểm định chương trình đào tạo và chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh: Tạo sự bứt phá, tăng tốc công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm  - Ảnh 1.

Đào tạo nghề cho lao động tại Hà Tĩnh.

Đến nay, Hà Tĩnh có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 4 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 4 trung tâm dạy nghề, 10 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện và 1 phân hiệu của Trường cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương. 

Số ngành nghề đã được cấp phép đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp cho 26 ngành nghề cao đẳng, 65 ngành nghề trung cấp; các trường do địa phương quản lý đã được cấp phép, 19 ngành nghề đào tạo trình độ cao đẳng, 53 ngành nghề đào tạo trình độ trung cấp, các trường trực thuộc bộ, ngành Trung ương quản lý được cấp phép, 7 nghề đào tạo trình độ cao đẳng, 12 nghề trình độ trung cấp và 23 ngành nghề trọng điểm được phê duyệt tại Quyết định số 1836/QĐ-LĐTBXH tại các trường trực thuộc tỉnh quản lý (trong đó: 2 nghề cấp độ quốc tế, 6 nghề cấp độ ASEAN và 15 nghề cấp độ quốc gia).

Chú trọng phân luồng học sinh, liên kết đào tạo với doanh nghiệp, đào tạo có địa chỉ; đào tạo trình độ trung cấp cho học sinh trung học phổ thông; đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các đối tượng đặc thù. Tổ chức đào tạo 20.696 lượt người, trong đó tuyển mới dạy nghề 5.642 người .

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm cấp cơ sở, chuẩn bị tham dự Hội thi toàn quốc tại Thừa Thiên - Huế. Triển khai kế hoạch tổ chức Hội diễn văn nghệ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc tại Hà Tĩnh. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chính trị hè cho 240 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Tăng tốc trong công tác giải quyết việc làm

Hà Tĩnh hiện có 830.200 người trong độ tuổi lao động, trong đó số lao động tham gia hoạt động kinh tế là 718.760 người, chiếm 86,57% lực lượng lao động. Các địa phương, đơn vị đã phối hợp tổ chức 42 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, tư vấn học nghề tại xã, phường, thị trấn thu hút trên 10.000 người tham gia; 12 phiên giao dịch việc làm tại Thành phố Hà Tĩnh, Khu kinh tế Vũng Áng và 30 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thành phố, thị xã với trên 400 lượt doanh nghiệp, 8.500 lượt người tham gia và đã có 1.000 người lao động được tuyển dụng. 

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh: Tạo sự bứt phá, tăng tốc công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm  - Ảnh 2.

Một góc Khu kinh tế Vũng Áng.

Trong 8 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm đã giải quyết việc làm cho 11.953 người, đạt 52% kế hoạch, bằng 110,29% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: Tạo việc làm trong nước 8.015 người, xuất khẩu lao động 3.838 người. Đến nay, Hà Tĩnh có 58.700 người làm việc tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, số có hợp đồng là 27.798 lao động.

Tiếp tục triển khai Đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp" đến năm 2021 (đã có 500 doanh nghiệp, 11.000 lượt người được tuyên truyền, phổ biến pháp luật); nhận thức của người lao động, doanh nghiệp về pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng chuyển biến tích cực.  

Toàn tỉnh có 84.328 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; 10.842 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 1.102.602 người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 86,6%; 70.911 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho 3.057 người, số tiền gần 36 tỷ đồng.

Toàn tỉnh có 2.348 lao động nước ngoài. Công tác quản lý, cấp giấy phép được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; tỷ lệ lao động người nước ngoài được cấp phép đạt trên 94%; chấp thuận phương án sử dụng lao động người nước ngoài cho 26 doanh nghiệp, nhà thầu; cấp, cấp lại giấy phép lao động 377 người nước ngoài. 

Hướng dẫn 6.400 doanh nghiệp và 1.100 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội được tăng cường; các doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã có chuyển biến trong việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo và các chế độ, chính sách về pháp luật lao động.

Rà soát, thống kê tình hình lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, tổ chức các hội nghị truyền thông về di cư an toàn, phòng ngừa di cư trái phép tại thị xã Kỳ Anh và các huyện: Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân. Đến nay, toàn tỉnh có 1.265 lao động tham gia chương trình EPS cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc; một số địa phương như huyện Thạch Hà và Can Lộc làm tốt công tác vận động lao động cư trú bất hợp pháp về nước đúng hạn được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.  

Triển khai thực hiện Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động năm 2019; 13/13 huyện, thị xã, thành phố tổ chức lễ phát động; xây dựng các phóng sự tuyên truyền; tổ chức các đoàn kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp; tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh trên 4.000 lao động.  

Nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động bị ảnh hưởng do sự cố môi trường, bộ đội xuất ngũ và đối tượng đặc thù theo Nghị quyết 56/NQ- HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh gắn giải quyết việc làm cho người lao động.

Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, chất lượng hoạt động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.