Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ngành LĐ-TB&XH thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo an sinh xã hội

Báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội cho thấy, năm 2021, cùng với các bộ, ngành, địa phương, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, với mục tiêu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân, đảm bảo an sinh xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Hỗ trợ trên 31,28 triệu lượt đối tượng bị ảnh hưởng COVID-19

Bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ với phương châm hành động là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển” và 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành. Trong đó đã cụ thể hóa các mục tiêu về lao động, người có công và xã hội được Quốc hội giao thành 18 chỉ tiêu, 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 73 nhiệm vụ cụ thể, phân công cho các đơn vị thuộc Bộ, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện.

Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện “mục tiêu kép” với ưu tiên hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh người dân; cố gắng cao nhất bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh không để đứt gãy, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn, phục hồi thị trường lao động, giải quyết việc làm.

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm xuất hiện và gia tăng các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, cần được trợ giúp mà hệ thống ASXH hiện hành chưa bao phủ tới. Trong bối cảnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo an sinh xã hội, có chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch như Nghị quyết số 68, Nghị  quyết số 116 và Nghị quyết số 126. Đây là các quyết sách quan trọng, kịp thời bổ sung và gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống ASXH ứng phó hiệu quả hơn trong đại dịch.

Theo báo cáo, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP toàn quốc là trên 35,9 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ trên 31,28 triệu lượt đối tượng. Triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP, đến nay đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho trên 12,8 triệu lao động với số tiền hỗ trợ trên 30,5 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ còn xuất cấp gạo cứu đói cho người dân, huy động nguồn lực xã hội hóa to lớn của các tổ chức, cá nhân, cùng hàng triệu “túi an sinh” để hỗ trợ người dân trong dịch bệnh. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Chính phủ đã dành nguồn kinh phí không nhỏ để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; các chính sách hỗ trợ thực sự thiết thực, kịp thời, ý nghĩa và tạo được niềm tin sâu rộng trong Nhân dân.

Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, trong năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng, trình 44 Đề án.  Chính sách, pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội ngày càng hoàn thiện, từng bước tạo lập khuôn khổ pháp lý minh bạch, bình đẳng, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, người già, trẻ em, người có công với cách mạng, tạo sự công bằng xã hội, hỗ trợ đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.

Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vượt 2% so với chỉ tiêu Trung ương giao

Trong bối cảnh sự bùng phát của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, thu nhập của người lao động giảm, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với  hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc. Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Trong quý IV, các doanh nghiệp hoạt động trở lại, tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhằm sớm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Thị trường lao động cuối năm có dấu hiệu phục hồi khi số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng tăng, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm so với quý III. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi khu vực thành thị ở mức cao là 4,42%; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,33%.

Đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động.

Đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động.

Công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ước thực hiện cả năm đưa khoảng 45 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030; tập trung xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN. Ước thực hiện cả năm tuyển mới giáo dục nghề nghiệp khoảng 1.896 nghìn người, đạt khoảng 80% kế hoạch.

Tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ; an toàn, vệ sinh lao động và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN được quan tâm trong bối cảnh dịch bệnh, ước tính số người tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 16,578 triệu người, chiếm trên 36% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện chiếm 2,97% lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt chỉ tiêu so với mục tiêu Trung ương giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW gần 2%). Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13,537 triệu người, chiếm trên 30% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hướng dẫn thực hiện chính sách lao động, tiền lương cho doanh nghiệp và người lao động, góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp, giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đến thu nhập, tiền lương của người lao động.

Khoảng 65% số người nghiện có hồ sơ quản lý được tư vấn, cai nghiện

Năm 2021, triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, tập trung lập quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng. Đời sống người có công và thân nhân người có công không ngừng được cải thiện, nâng cao hơn.

Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 0,52% so với cuối năm 2020; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,34%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 4%.

Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội; nhất là chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống người cao tuổi, người khuyết tật; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt năm 2021. Nhìn chung, chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng; 86% tỷ lệ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; 86% tỷ lệ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời.

Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; xây dựng môi trường sống an toàn để trẻ em được phát triển toàn diện; kịp thời phối hợp, chỉ đạo, triển khai việc ứng phó, giảm thiểu tác động đại dịch COVID-19 đến trẻ em. Huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.  Chỉ số giới của Việt Nam nằm trong các quốc gia thuộc nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới; vai trò và địa vị của phụ nữ được cải thiện, nâng lên rõ rệt; tỷ lệ đại biểu Quốc hội khoá XV là phụ nữ đạt 30,26%, cao nhất kể từ Quốc hội khoá V đến nay; tỷ lệ đại biểu nữ tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 29%, tham gia Hội đồng nhân dân cấp huyện đạt 29,2%, tham gia Hội đồng nhân dân cấp xã đạt 28,98%; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt ở khu vực nông thôn được chú trọng.

Trong năm, đã tổ chức tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy cho trên 170 nghìn người nghiện ma túy, ước đạt 65% số người nghiện có hồ sơ quản lý; tỷ trọng người nghiện ma túy tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy trong tổng số người nghiện được cai nghiện đạt 35,6. Bảo đảm 100% các trường hợp nạn nhân bị buôn bán đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân và được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và 19-NQ/TW; sắp xếp kiện toàn cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thuộc Bộ. Tiếp tục triển khai kế hoạch tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức theo đúng lộ trình ở cả hai khối đơn vị quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp.

Bộ LĐ-TB&XH ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch CCHC; Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trong năm Thanh tra ngành LĐ-TB&XH đã triển khai 2.067 cuộc thanh tra. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế. Phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc ngành.