Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nghệ An quyết tâm “làm sạch” ma túy tại địa bàn các xã biên giới

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công văn 3354/UBND-NC, ngày 13/5/2022 gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh liên quan; UBND các huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong về việc tăng cường công tác phòng, chống, đấu tranh “làm sạch” ma túy tại địa bàn các xã biên giới trên địa bàn tỉnh.

Để “làm sạch” ma túy trên tuyến biên giới giáp Lào, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các xã biên giới, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng, chống, đấu tranh “làm sạch” ma túy tại địa bàn các xã biên giới trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng (Bộ đội Biên phòng, Hải quan) tiếp tục tăng cường triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy nói chung, trong đó, ưu tiên lực lượng, phương tiện, biện pháp triển khai công tác “làm sạch” ma túy tại 27 xã biên giới, bảo đảm tiến độ Đề án xây dựng “xã biên giới sạch về ma túy” trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong năm 2022.

Thông qua công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, chủ động tham mưu triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa bàn các xã biên giới; kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết tốt những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, không để phát sinh các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự tại địa bàn xã biên giới.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện tại các huyện biên giới. Trong đó, phối hợp với lực lượng Công an các cấp có cơ chế ưu tiên đối với công tác tiếp nhận đối tượng cai nghiện bắt buộc của các xã biên giới theo hướng hỗ trợ tiếp nhận “trái tuyến” đối với các trường hợp người nghiện tại 27 xã biên giới đưa vào cai nghiện trong các cơ sở cai nghiện xa địa bàn cư trú, cách ly, vô hiệu hóa việc người nghiện liên hệ với các đối tượng khác. Chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan triển khai các giải pháp tăng cường công tác giáo dục, dạy nghề cho người nghiện ma tuý; công tác tái hòa nhập cộng đồng, quản lý sau cai nghiện và tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý tại các xã biên giới, hạn chế thấp nhất khả năng tái nghiện.

Tội phạm ma túy chủ yếu vận chuyển buôn bán tại địa bàn các xã biên giới.

Tội phạm ma túy chủ yếu vận chuyển buôn bán tại địa bàn các xã biên giới.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành và UBND 6 huyện biên giới ưu tiên lực lượng, phương tiện triển khai điều trị nghiện đối với các đối tượng nghiện thuộc địa bàn 27 xã biên giới. Đồng thời, tiến hành rà soát, nắm tình hình và bổ sung, hỗ trợ cho lực lượng y tế làm công tác cai nghiện tại địa bàn các huyện, xã biên giới; nhất là ưu tiên hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị y tế, dụng cụ test thử ma túy... cho các cơ sở có chức năng xác định tình trạng nghiện tại địa bàn các huyện, xã biên giới.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông phòng, chống ma túy tại địa bàn các xã biên giới. Cùng với đó, huy động lực lượng, phương tiện kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở tại các xã biên giới, đấu tranh quyết liệt với các đường dây, ổ nhóm tội phạm trên tuyến biên giới; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Hải quan trong triển khai các phương án nghiệp vụ nhằm “làm sạch” ma túy tại địa bàn xã biên giới.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 27/27 xã biên giới có ma túy, trong đó có nhiều xã trọng điểm phức tạp về ma túy. Số người nghiện ma túy còn nhiều; hoạt động của tội phạm liên quan đến các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy tiềm ẩn nguy cơ cao. Các đối tượng phạm tội về ma túy thường trung chuyển ma túy từ Lào vào địa bàn tỉnh, đi các địa phương khác tiêu thụ (qua theo dõi, 80% lượng ma túy thu giữ được trên địa bàn tỉnh có nguồn gốc thẩm lậu qua biên giới Việt - Lào)...

Cục Hải quan tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng tại các cửa khẩu tăng cường kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ tội phạm ma túy. Thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng trong triển khai các phương án nghiệp vụ, đấu tranh, bắt giữ tội phạm ma túy tại cửa khẩu.

Các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh tăng thời lượng đưa tin, phát sóng, bài viết tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy tại địa bàn 27 xã biên giới; tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống ma túy, tuyên truyền “gương người tốt, việc tốt”, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống ma túy tại 27 xã biên giới.

UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ phối hợp thực hiện, chỉ đạo các tổ chức thành viên tăng cường ưu tiên triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân tại địa bàn các xã biên giới. Phối hợp thường xuyên với lực lượng Công an các cấp để “làm sạch” ma túy tuyến xã biên giới; tăng cường các hoạt động giám sát các cơ quan, tổ chức, địa phương trong công tác thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống ma túy tại địa bàn các huyện, xã biên giới, kịp thời kiến nghị các giải pháp phù hợp, hiệu quả phòng, chống ma túy tại địa bàn xã biên giới.

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND các huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn huyện nói chung và tại địa bàn các xã biên giới nói riêng. Nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, “làm sạch” ma túy tại các xã biên giới của các ngành, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là người đứng đầu. Căn cứ vào thực tiễn tình hình địa phương, chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho công tác “làm sạch” ma túy tại các xã biên giới nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân tại các xã biên giới nói chung.