Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nghề điều dưỡng: “Cốt yếu là nuôi dưỡng tình yêu nghề, khát vọng thay đổi”

(Dân sinh) - Nghề điều dưỡng được ví là một trong những trụ cột của hệ thống y tế. Đây cũng là ngành nghề không thể thay thế trong tương lai bởi AI (trí tuệ nhân tạo) hay công nghệ. Tại Việt Nam, tỷ lệ điều dưỡng mới đạt 16,5/10.000 dân, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình trên thế giới (25 điều dưỡng/10 ngàn dân).

Để tiến tới tỷ lệ điều dưỡng đạt chuẩn, đảm bảo đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc y tế của người dân, Việt Nam cần thêm 320.000 nhân viên y tế trong vòng 3 - 5 năm tới.

Theo TS Trần Quang Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Dưỡng Việt Nam, nước ta đang phải đương đầu với tình trạng già hóa dân số, chúng ta đã qua giai đoạn dân số vàng. Theo quy luật, tuổi càng cao thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe càng lớn. Do vậy, nhu cầu nhân lực điều dưỡng ngày càng tăng.

Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 25 điều dưỡng/vạn dân, đến năm 2030 đạt 33 điều dưỡng/vạn dân. 

Vì thế, đào tạo điều dưỡng viên đáp ứng yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng - trọng trách này đặt lên vai các trường đào tạo khối ngành sức khỏe.

Đào tạo song ngành, tạo lợi thế cho sinh viên trong việc cạnh tranh tìm kiếm cơ hội việc làm

Ông Bùi Quang Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, Trường Cao đẳng Hà Nội (HNC) cho biết, trên thế giới hiện nay, ngành điều dưỡng đang phát triển theo hướng chuyên môn hóa và đa ngành, sự tiến bộ của công nghệ y tế như trí tuệ nhân tạo, robot hỗ trợ và thiết bị y tế thông minh đang được tích hợp vào quá trình chăm sóc sức khỏe, cho nên Cao đẳng Hà Nội tập trung nghiên cứu và phát triển chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng trên cơ sở tích hợp các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới, đảm bảo đạt kiểm định quốc tế, nhưng không xa rời thực tế tại Việt Nam. 

Ông Bùi Quang Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, Trường Cao đẳng Hà Nội: “Đào tạo song ngành sẽ tạo lợi thế cho sinh viên trong việc cạnh tranh tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp”.

Ông Bùi Quang Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, Trường Cao đẳng Hà Nội: “Đào tạo song ngành sẽ tạo lợi thế cho sinh viên trong việc cạnh tranh tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp”.

Đó là chương trình đào tạo tiên tiến, hiện đại, xây dựng theo chuẩn đầu ra và năng lực, lấy người học làm trung tâm với triết lý giáo dục dựa trên năng lực, tập trung vào việc phát triển năng lực, khơi dậy những sáng tạo của người học.

Chương trình mang tính mềm dẻo, thường xuyên cập nhật tri thức mới, hướng dẫn kỹ năng tự học và nâng cao năng lực tự học suốt đời, đáp ứng yêu cầu cập nhật kiến thức mới liên tục đối với người hoạt động trong ngành sức khỏe; chú trọng đào tạo cử nhân điều dưỡng có kiến thức chuyên môn sâu, có kỹ năng tốt và khả năng làm việc độc lập, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế Việt Nam, đồng thời đáp ứng tuyển dụng của nhiều thị trường lao động trên thế giới.

Sinh viên ngành điều dưỡng thực hành tại phòng thực hành của nhà trường

Sinh viên ngành điều dưỡng thực hành tại phòng thực hành của nhà trường

Để tăng cơ hội việc làm cũng như nâng cao năng lực cho sinh viên ngành Điều dưỡng, nhà trường đảm bảo thời lượng thực hành của sinh viên lên đến 70% với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, buồng bệnh mô phỏng, hệ thống bệnh nhân ảo. Sinh viên ngành Điều dưỡng tại HNC còn được thực hành lâm sàng tại các bệnh viện có chất lượng hàng đầu tại Việt Nam. “Chúng tôi có quan hệ hợp tác với các bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, Đa khoa Nông nghiệp và một số các bệnh viện tuyến Trung ương khác, đảm bảo sinh viên có môi trường thực hành lâm sàng chuyên nghiệp, hiểu về các mô hình bệnh tật để có tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ thực tế” – Ông Ông Bùi Quang Thịnh chia sẻ.

Theo ông Thịnh, một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng đào tạo chính là đội ngũ giảng viên, cho nên đã có cơ chế tuyển dụng những thầy cô có năng lực, chuyên môn vững vàng và có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực y tế.

Nắm bắt tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành điều dưỡng xuất hiện ở nhiều quốc gia, đặc biệt là tại các nước phát triển, để chuẩn bị cho sinh viên chớp lấy cơ hội thực tập, du học và làm việc tại môi trường quốc tế, nhà trường triển khai chương trình đào tạo song bằng các ngôn ngữ Anh, Đức, Hàn quốc, Trung quốc, Nhật Bản, và chương trình trao đổi sinh viên 2 + 2, nghĩa là hai năm học tại Trường Cao đẳng Hà Nội và hai năm học tại các quốc gia khác”.

Đào tạo song ngành là cách nhà trường tạo lợi thế cho sinh viên trong việc cạnh tranh tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Nhà trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các trường đại học như Đại học Inje, Đại học Masan (Hàn Quốc), các công ty lớn của CHLB Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, tạo điều kiện cho sinh viên du học, làm việc theo các chương trình hợp tác của nhà trường.

Nuôi dưỡng tình yêu nghề và khát vọng thay đổi

Đối với người làm điều dưỡng, đặc thù nghề nghiệp phải tiếp xúc hàng ngày, hàng giờ với người bệnh, cho nên có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thôi chưa đủ mà cần có một trái tim nhân hậu, biết yêu thương, đồng cảm, chia sẻ với những đau đớn, khó khăn mà người bệnh và người thân của họ đang phải gánh chịu.

TS.BS Lê Quang Minh, Trưởng Khoa Điều Dưỡng, Trường Cao đẳng Hà Nội chia sẻ rằng, chỉ có tình yêu thương, sự đồng cảm mới giúp người điều dưỡng gắn bó với bệnh nhân, coi người bệnh như người thân của mình để chăm sóc.

Bởi người điều dưỡng là người cận kề với người bệnh, có những chuyện người bệnh không chia sẻ với bác sĩ, người thân nhưng lại sẵn sàng chia sẻ với điều dưỡng. Họ có thể nói ra những suy nghĩ chưa bao giờ nói với ai, ngay cả suy nghĩ muốn chấm dứt cuộc sống của chính mình. Nghề điều dưỡng xuất phát từ cái tâm, phải hiểu nghề mới làm được, phải yêu nghề mới “trụ” được với nghề.

Chính vì vậy, giảng viên nhà trường đều là tấm gương về tình yêu nghề, sự hiểu biết về nghề. - “Mỗi bài giảng, chúng tôi không chỉ trao truyền kiến thức, kỹ năng mà luôn tìm cách truyền tải đến sinh viên sự hiểu biết, tình yêu, mong muốn kết nối giữa con người với con người và quan trọng là nuôi dưỡng khát vọng thay đổi ở những người trẻ. Mỗi sinh viên ngành Điều dưỡng sẽ là những nhân tố tạo ra sự thay đổi tích cực trong hoạt động nghề nghiệp, đem lại những điều tốt đẹp cho người bệnh nói riêng và cộng đồng nói chung” – TS.BS Lê Quang Minh cho biết.