Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nghề làm muối Bạc Liêu được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

(Dân sinh) - Ngày 30/9, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa có quyết định công nhận Nghề làm muối Bạc Liêu vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Nghề làm muối ở Bạc Liêu với lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển. Những cánh đồng muối chạy dài từ Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) cho đến Long Điền Đông, Long Điền Tây, Điền Hải (huyện Đông Hải).

Diêm dân ở Bạc Liêu đã tích lũy những kỹ năng thực hành và truyền nghề làm muối độc đáo, riêng có. Muối Bạc Liêu không chỉ là đặc sản ẩm thực mà còn chứa đựng nhiều nét văn hóa của người dân miền biển ở Bạc Liêu.

Hơn 100 năm phát triển, hạt muối Bạc Liêu đã gắn chặt với đất, với người như một phần hương vị không thể thiếu của quê hương.

Trước đó, ông Lê Thanh Tự - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, nhằm khẳng định thương hiệu muối Bạc Liêu và tôn vinh nghề làm muối của diêm dân Bạc Liêu, Bảo tàng tỉnh đã hoàn tất hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL xét công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cho Nghề làm muối.

Theo các nhà nghiên cứu ở Việt Nam, nghề thủ công truyền thống phải đạt 3 giá trị: Kinh tế, xã hội và văn hóa. Nghề muối ở Bạc Liêu đã đảm bảo và thể hiện rõ nét các giá trị của một nghề thủ công.

Cùng với Di sản Nghề làm muối ở Bạc Liêu, trong đợt này Bộ VH-TT&DL đưa thêm 22 di sản vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia như: Lễ hội Bởi trải Đền, Chùa Ngọ Dương - Hải Phòng; Lễ Nhảy lửa của người Dao Đỏ - Hà Giang; Hát ru của người Việt ở Cần Thơ; Lễ hội đua thuyền Tứ lin (Quảng Ngãi)…