Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nghệ sĩ Phạm Dũng: Đau đáu với bảo tồn văn hóa Việt

Người ta biết đến Phạm Dũng với biệt danh “Dũng râu” và “nhẵn mặt” anh trên truyền hình với hình ảnh quen thuộc “ông bố khó tính” hay giáo sư Xoày Trọng Chấm trong chương trình Hỏi xoáy đáp xoay. Thế nhưng không phải ai cũng biết, Phạm Dũng còn là một tay chơi đồ cổ “ngông” có tiếng, người khởi xướng thành lập Hội cổ vật Thăng Long và hơn hết là một nhà văn hóa, nhà giáo thâm niên, người luôn đau đáu với việc bảo tồn và gìn giữ văn hóa Việt…

   

  

Ảnh to 1700px

     

“Mất văn hóa, chúng ta sẽ bị nô dịch…”

“Dũng râu” khá nổi tiếng bởi sự đa tài, nhưng anh cũng được gắn cho cái mác “lắm tài nhiều tật”. Trước khi chơi đồ cổ, anh đã là võ sư của phái Vĩnh Xuân với rất nhiều môn sinh. Cái nghiệp văn nghệ sĩ của anh còn dài hơn: sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội rồi Đại học Sân khấu Điện ảnh, anh làm diễn viên, đạo diễn, viết kịch bản, thành danh với nghệ danh Phạm Dũng. Tuy nhiên, nếu không phải là bạn bè, đồng nghiệp hay người thân của anh thì nghề giáo chính là điều mọi người khó hình dung nhất về Phạm Dũng bởi bộ râu trứ danh và cái chất ngông nghênh nghệ sĩ ở anh. Khó có thể hình dung ra ông thầy giáo có bộ râu quai nón, tay đút túi quần bò đứng trên bục giảng. Thế nhưng Phạm Dũng đích thị là một thầy giáo, một nhà nghiên cứu văn hóa thâm niên với mấy chục năm trong nghề. Học cùng với nghệ sĩ Minh Vượng, Hoàng Dũng ở lớp diễn viên, Phạm Dũng là người đầu tiên chuyển sang học đạo diễn. Khi rảnh lại ngồi viết kịch bản. Thế nhưng ở môi trường điện ảnh, Phạm  Dũng không được vẫy vùng nhiều. Anh tham gia một số phim, đạo diễn một số vở kịch rồi sau đó dành trọn tình yêu ấy cho việc giảng dạy diễn xuất, đạo diễn ở Trường Đại học Văn hóa. 

Nếu mới tiếp xúc thì rất khó thấy được cái vẻ mô phạm thường thấy của nghề giáo ở Phạm Dũng, chất nghệ sĩ hay một tay chơi lại có vẻ nổi bật hơn. Nói về cái dáng vẻ “râu hùm hàm én” của mình, anh tếu táo cười bảo “bộ râu của tôi cũng gây không ít phiền phức đấy. Người ta phê bình tôi để râu, không hợp với môi trường sư phạm. Tôi hỏi: tại sao thầy giáo lại không được để râu, tôi thấy xưa nay những vĩ nhân như Mac, Lê Nin hay Bác Hồ đều để râu đấy thôi. Nói thế rồi mới yên thân đấy…”

Tuy nhiên, tiếp xúc lâu hơn sẽ thấy, bên ngoài cái vẻ bụi bặm, ngông nghênh ấy là sự nghiêm túc, thậm chí khắt khe của một người thầy. Phạm Dũng bảo, anh đã gắn bó với nghề giáo cả cuộc đời và  luôn tự hào về điều đó. Với học trò, anh nghiêm khắc nhưng luôn yêu thương. Phạm Dũng bảo, người thầy không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người giáo dục nhân cách cho học sinh, thế nên đã là thầy giáo thì trước hết phải có nhân cách của một kẻ sĩ.

   

    

Empty

   

   

   

Vài chục năm gắn bó với nghề giáo, cho đến khi nghỉ hưu Phạm Dũng vẫn không hết những trăn trở về nghề, về những vấn đề bất cập của ngành giáo dục như phương pháp dạy và học lạc hậu nhàm chán thầy đọc - trò chép, chương trình học thiếu chuyên sâu, rồi nạn dạy thêm, học thêm đang lấy đi tuổi thơ của những đứa trẻ, hay vấn đề sử dụng con người ra sao để những tài năng không bỏ đất nước mà đi…

Giảng dạy về văn hóa, Phạm Dũng bảo, anh luôn đau đáu một câu hỏi: Tại sao học sinh sợ học văn, học sử, tại sao học sinh thuộc sử Tàu hơn sử ta?  Học sinh có thật sự sợ học sử hay do chúng ta chưa coi trọng những môn học này nên không đầu tư cho nó.

 “Lãnh thổ là cơ thể của quốc gia và văn hóa và lịch sử là tinh thần của cơ thể đấy. Nếu cơ thể có nhưng tinh thần không có thì đó là sống thực vật. Lịch sử, văn hóa là cả một quá trình bồi đắp, hình thành trong quá trình phát triển, giữ gìn và mở mang bờ cõi. Nó sẽ bồi đắp tinh thần, sức mạnh cho cả dân tộc. Mất sử không còn quá khứ nữa, con cháu chúng ta biết tự hào về cái gì. Mất văn hóa, chúng ta sẽ bị nô dịch…”, Phạm Dũng trăn trở.

  

  

Empty

  

  

 

Gìn giữ văn hóa dân tộc qua gốm cổ

Nếu nghề giáo là cái nghiệp gắn bó với Phạm Dũng cả đời thì với gốm cổ, đó là niềm đam mê và cũng là cơ duyên không dễ gì dứt ra được, thậm chí phải đánh đổi rất nhiều thứ. Niềm đam mê ấy có lẽ đã có từ khi còn thơ bé, bởi anh vốn được sinh ra trong một gia đình có gia thế, ông thân sinh là một thương gia lớn thời Pháp thuộc và cũng là một người ham sưu tầm đồ cổ.

Tuy nhiên, đam mê là một chuyện, nhưng để đến được với nó có lẽ cũng cần phải có duyên. Và cái duyên ấy đến với Phạm Dũng rất tình cờ. Năm 1983, trong một lần có việc đi ngang qua Xuân Mai (Hòa Bình), vào ngồi ở một quán nước ven đường anh phát hiện ra mấy chiếc chén gốm cổ cũ kỹ đang được chủ quán dùng để... kê chân bàn. Anh gạ chủ quán bán lại. Ông chủ quán trố mắt nhìn anh rồi lại nhìn mấy cái chén bẩn thỉu. Biết chắc là anh không đùa, ông mới bảo: "Ở nhà vẫn còn mấy cái nữa" rồi chạy về lấy ra bán nốt. Mỗi cái chén được bán với giá 1 nghìn đồng và chỉ với 9 nghìn đồng, Phạm Dũng đã có trong tay bộ chén cổ thời Lý khởi đầu cho bộ sưu tập của mình.

Bước vào con đường sưu tập gốm cổ, Phạm Dũng mày mò tự học và rút kinh nghiệm. Hà Nội bấy giờ chưa nhiều người hiểu được giá trị của đồ cổ nên việc mua bán cũng dễ dàng và anh mua được khá nhiều. Ngoài ra, bà con họ hàng ai còn giữ được vài món đồ gốm cổ là anh đến xin đổi. Cứ thế qua từng năm tháng, đủ những món đồ gốm cổ, từ khạp, chậu, chum, tượng, vò, bình, chén, đĩa thời Lý, Trần, Lê… lần lượt tề tựu trong bộ sưu tập của anh.

Phạm Dũng bảo, anh tin cổ vật có hồn, ai có duyên mới giữ được. Và chơi gốm cổ thì phải có tiền, vậy nên, để có tiền mua đồ cổ, ngoài nghề giáo, anh làm đủ nghề, từ mở lò dạy võ, viết kịch, đóng phim, làm đạo diễn... Cứ thế, làm được bao nhiêu tiền anh đều “nướng” cả vào việc sưu tập gốm cổ. Càng chơi anh càng phát hiện ra những vẻ đẹp của gốm. “Bản thân gốm mang nhiều dấu ấn lịch sử, là tinh hoa văn hóa và cả hồn dân tộc. Xét về mặt mỹ thuật và kỹ thuật, gốm đều có những nét rất độc đáo. Nếu nhìn những thứ đồ cổ khác bằng cái đầu thì phải nhìn gốm bằng trái tim mới thấy hết vẻ đẹp của nó”.

  

   

Empty

     

          

Năm 1997, Phạm Dũng là người đầu tiên đặt vấn đề thành lập Hội cổ vật Thăng Long. Hơn 1 năm sau đó, Hội cổ vật Thăng Long chính thức ra mắt, đó là hội cổ vật đầu tiên trong cả nước. Sau đó, Phạm Dũng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ văn hóa học với công trình nghiên cứu “Gốm cổ trong đời sống văn hóa Việt Nam”.

Khác với những người sưu tầm khác, Phạm Dũng hầu như chỉ mua và tặng chứ ít khi bán. Hàng nghìn cổ vật đã được anh tặng cho Bảo tàng Phụ nữ, Viện Văn hóa dân gian, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh. Quanh việc “Dũng râu" tặng đồ cổ cho Nhà nước, cũng có lắm tiếng xì xào, còn Phạm Dũng chỉ cười. Anh bảo: "Các chuyên gia nước ngoài từng tặng chúng ta rất nhiều cổ vật Việt Nam còn lưu lạc nơi xứ người. Thậm chí, họ còn xắn tay giúp chúng ta bảo tồn di sản văn hóa Việt. Vậy tại sao một người Việt như tôi lại không thể làm điều ấy? Giữ được những cổ vật của lịch sử là giữ được một phần quá khứ, không để những giá trị văn hóa cũ trôi mất theo thời gian".

     

        

87324

    

  

Empty

        

           

Mỗi khi nói chuyện về cổ vật, Phạm Dũng bảo anh rất hay nhận được câu hỏi kiểu như: tại sao anh lại chọn sưu tập gốm, mà không phải những thứ đồ cổ khác. Những lúc đó, anh lại tếu táo trả lời “chơi đồ cổ cũng giống như tình yêu vậy, một khi giải thích được lý do vì sao lại yêu thì không còn là tình yêu nữa, mà chỉ là sự cân đo đong đếm thiệt hơn mà thôi”.

Vào những ngày sát Tết năm Covid thứ 2, Phạm Dũng đã cho ra mắt cuốn sách “Phạm Dũng bén duyên với gốm”. Trong ngôi nhà ở ngoại ô, cách Hà Nội tầm 20km là nơi anh thường tiếp bạn bè, đồng nghiệp sau khi về hưu. Ngôi nhà được thiết kế rất đẹp, rộng rãi, có sân, vườn trồng rất nhiều lan, mang đầy chất nghệ sĩ như chủ nhân của nó. Trong ngôi nhà đó, anh vẫn viết sách, vẫn truyền dạy những kiến thức cho học trò, dạy võ cổ truyền cho những môn sinh trẻ, sưu tầm những cổ vật rồi lại tặng lại các bảo tàng… như một cách để lưu giữ, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của văn hóa Việt…