Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Người đàn ông ở Tây Ninh bị rắn hổ chúa cắn đang nguy kịch

(Dân sinh) -Người đàn ông ở Tây Ninh bị rắn hổ chúa cắn đang trong giai đoạn bị vị nọc độc tấn công vào cơ tim, bị suy thận cấp, suy gan, chỉ số bạch cầu thấp, tiên lượng rất xấu, vùng đùi bị hoại tử nặng.

Chiều ngày 23/8, thông tin với PV, bác sĩ CKI Nguyễn Ngọc Sang - khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân Phan Văn Tâm (ngụ Tây Ninh), người bị rắn hổ mang chúa cắn tiên lượng đang rất nặng.

Theo bác sĩ Sang, nọc độc rắn hổ mang đã tấn công vào cơ tim của bệnh nhân Tâm, vết rắn cắn ở đùi đang bị hoại tử nặng, sưng phù.

"Hiện nay, các bác sĩ đang thay huyết tương, chạy lọc máu chậm và theo dõi diễn biến sức khỏe của bệnh nhân từng ngày", bác sĩ Sang thông tin.

Trước đó,khoảng 7h30' ngày 19/8, ông Tâm phát hiện con rắn hổ mang chúa dài khoảng 2,5m, nặng khoảng 4,5kg.

Người đàn ông ở Tây Ninh bị rắn hổ chúa cắn đang nguy kịch  - Ảnh 1.

Nạn nhân mang theo con rắn đến bệnh viện.

Ông Tâm đuổi theo dùng tay bắt thì bị con rắn quay lại cắn vào vùng đùi phải. Nạn nhân mang theo cả con rắn, chạy ra đường nhờ người dân chuyển đến Bệnh viện Tây Ninh cấp cứu.

Tại bệnh viện, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sụp mi, khó thở và sốt nhẹ. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, bóp bóng và được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy lúc trưa cùng ngày.

Người nhà anh bệnh nhân cho biết, anh Tâm dù đang gặp nguy hiểm vì nọc độc vẫn quyết không buông con rắn ra, vì cố giữ nó lại để bán lấy tiền đóng học cho con trong năm học mới, đỡ đần vợ.

Người đàn ông ở Tây Ninh bị rắn hổ chúa cắn đang nguy kịch  - Ảnh 2.

Anh Tâm liều mạng bắt rắn để bán lấy tiền nộp học phí cho con.

Khi phát hiện con rắn độc, đứa con bảo cha chạy đi nhưng anh Tâm nhất định bắt bằng được vì nghĩ sẽ bán được nhiều tiền nên dẫn đến sự việc thương tâm trên.

Dù bị rắn độc cắn hay rắn lành cắn, bạn cũng cần giúp nạn nhân gọi số điện thoại cấp cứu 115 ngay lập tức.

Trong khi chờ đợi nhân viên y tế đến xử lý vết thương, bạn có thể thực hiện cách sơ cứu khi bị rắn cắn theo cách sau:

  • Đưa người bị cắn ra xa nơi có rắn; Tháo giày nếu nạn nhân bị rắn cắn ở chân; Gỡ bỏ các đồ trang sức đang đeo gần vùng bị cắn; Đặt nạn nhân nằm xuống sao cho vết thương thấp hơn tim.
  • Sơ cấp cứu khi bị rắn cắn: Băng vết thương bằng gạc vô trùng. Bạn lưu ý không nên buộc vết thương quá chặt mà chỉ nên băng nhẹ nhàng.

  • Giúp nạn nhân giữ bình tĩnh và nằm yên. Tình trạng mất bình tĩnh hay cử động nhiều có thể làm nọc độc lan nhanh hơn.

Cách thực hiện sơ cứu khi bị rắn cắn không đúng có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân. Bạn không nên thực hiện các cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn sau:

Rạch vết thương; Hút nọc độc từ vết thương; Cho nạn nhân uống đồ có cồn hay cà phê; Buộc vết thương hay dùng đá hoặc nước chườm vết thương; Cho nạn nhân uống thuốc mà không có chỉ định từ nhân viên y tế.