Tại tọa đàm “Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống (ANPTT) trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu” diễn ra ngày 21/11, GS, TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện ANPTT, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết như trên,
“ANPTT là việc bảo đảm an toàn cho con người, quốc gia, dân tộc và toàn nhân loại trước các mối đe dọa có nguồn gốc phi quân sự như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khan hiếm nguồn lực, dịch bệnh lây lan nhanh, khủng hoảng tài chính, an ninh mạng, tội phạm nguy hiểm xuyên biên giới…
Năm 2024, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều nguy cơ ANPTT mà gần đây nhất là vấn đề môi trường, an ninh nguồn nước xảy ra trong tháng 9 liên quan đến bão Yagi tại nhiều địa phương.
Chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều cuộc tấn công mạng nhằm vào các tập đoàn kinh tế lớn như: PV Oil, Vinadirec, Tổng công ty VNPost của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Hay thu nhập toàn tỉnh Yên Bái năm 2023 đạt 4.100 tỷ đồng song chỉ sau một tuần bão lũ quét qua, địa phương này đã thiệt hại hơn 4.600 tỷ đồng.
Đây chính là nguy cơ làm giảm sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc phòng của đất nước”, GS, TS Nguyễn Xuân Yêm thông tin.
Theo Viện trưởng, khoảng 30 nguy cơ đe dọa ANPTT đã, đang và sẽ nổi lên, trong đó phải lưu ý vấn đề tội phạm xuyên quốc gia; an ninh kinh tế; an ninh môi trường, nguồn nước; an ninh y tế; an ninh mạng và an ninh xã hội.
Ở cấp độ địa phương, Đại tá Đỗ Tiến Thùy, Phó giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang cho hay, trong bão Yagi, Tuyên Quang khi đó đối diện với ngập lụt, mưa lớn diện rộng và thủy điện phải mở cả 8 cửa xả lũ.
Giả sử lúc đó chúng ta buộc phải phá đập tràn chủ động hồ thủy điện Thác Bà thì không khác gì một "quả bom nước" trút xuống Tuyên Quang, vì vậy cần có biện pháp chủ động xử lý, phòng ngừa các nguy cơ ANPTT từ xa.
Ông Nguyễn Văn Sự, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex cho biết, từng chứng kiến các sự cố tràn dầu hay cháy nổ. Đây là những tình huống rất xấu nên nếu xảy ra sẽ gây mất trật tự và có tính "lan tỏa rất ghê gớm". Bởi vậy, trong quá trình quản trị, ngành xăng dầu đã tập trung vào hệ thống cơ sở vật chất như kho, cảng để tránh rủi ro.
“Bên cạnh hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, thông suốt từ kho, cảng đến cửa hàng xăng dầu, chúng ta cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, trong đó bao gồm cả nhận thức, tư duy, trình độ, đi từ thực tiễn, có những chương trình đào tạo bài bản, chuyên sâu”, ông Sự nhấn mạnh.
Cũng theo GS, TS Nguyễn Xuân Yêm, để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực ANPTT, Viện ANPTT đã tổ chức nhiều khóa học dành cho cán bộ quản lý tại các cơ quan, tổ chức. Các lớp học thường được đánh giá rất cao, không chỉ nâng cao năng lực quản trị rủi ro ANPTT mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo có tư duy chiến lược, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
“Việc nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ là yếu tố then chốt để ứng phó hiệu quả với những thách thức mới trong bối cảnh ANPTT ngày càng phức tạp”, ông Yêm khẳng định.
Ông Yêm cho biết thêm, vấn đề ANPTT ở Việt Nam đang được triển khai ở nhiều nơi, mỗi bộ, ngành chịu trách nhiệm một lĩnh vực riêng lẻ. Điều này dẫn đến sự phân tán và thiếu kết nối trong công tác quản lý và ứng phó. Đối với ANPTT, một sự cố nhỏ nếu không được xử lý kịp thời có thể bùng phát, trở thành vấn đề nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia.
Vì vậy, cần có chiến lược tổng thể và đồng bộ để nâng cao năng lực quản lý ANPTT. Điều này bao gồm công tác đào tạo, tập huấn và đẩy mạnh tuyên truyền. “Kiến thức về ANPTT cần được phổ cập đến toàn dân, dựa trên phương châm "ba sẵn sàng, bốn tại chỗ".
Những kinh nghiệm hay cần được tổng kết và nhân rộng để tạo thành mạng lưới ứng phó hiệu quả. Việt Nam không thể tự mình giải quyết các thách thức ANPTT mà cần tăng cường hợp tác quốc tế, đồng thời đẩy mạnh sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong nước.
Chỉ khi có sự hợp lực ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế, chúng ta mới có thể chủ động ứng phó với các nguy cơ đang ngày càng phức tạp và khó lường”, ông Nguyễn Xuân Yêm cho biết.
Việc nâng cao hơn nữa năng lực quản trị ANPTT trong bối cảnh trong nước và thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, khó lường sẽ góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ chế độ, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Huyền Minh
Báo Lao động và Xã hội số 141