Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Khi người già đi học... “mẫu giáo”: Lớp học ấm áp cho tuổi già

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thay vì tuổi già buồn tẻ, cô đơn trong căn nhà của mình, ngày càng nhiều người cao tuổi (NCT) được các con động viên đến các trung tâm dưỡng lão bán trú ban ngày để được giao lưu, tập luyện.

Cách làm này giúp người cao tuổi vui với tuổi già, chiều tối lại trở về nhà sum vầy bên sự yêu thương, chia sẻ của cháu, con. Đó cũng là sự hiếu thuận của con dành cho các bậc sinh thành cả đời chỉ biết hy sinh, vất vả vì con.

Những lớp học bán trú dành riêng cho người già giờ đây lại trở thành nơi gắn kết, giúp họ rèn luyện trí nhớ, tăng cường sức khỏe và tìm lại niềm vui. Tại đây, NCT không chỉ “đi học” mà còn được chăm sóc đặc biệt, được sẻ chia, trò chuyện với những người cùng trang lứa.

Hai lần được “đi học”

Khi người già đi học... “mẫu giáo”: Lớp học ấm áp cho tuổi già - 1

Sớm mai, trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu đông, nắng óng ánh xuyên qua hàng cây trên phố. Tại Trung tâm chăm sóc NCT ban ngày Nhân Ái (Nhân Ái Daycare), ở chung cư khu Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội lại rộn rã tiếng nói cười, chào hỏi, tiếng nhạc du dương vọng ra từ phòng tập thể dục, giọng của những điều dưỡng viên (ĐDV) ấm áp đếm từng động tác tập thể dục: 1, 2, 3… 

Bên hè phố, một chiếc taxi dừng bánh, bà Đoàn Thị Bích Đào  (76 tuổi), ở phố Thụy Khuê cùng chồng mở cửa xe bước xuống. Đón tiếp ông bà bằng sự lễ phép cúi đầu chào, cô ĐDV dẫn ông bà Đào vào Trung tâm với nụ cười và cử chỉ ân cần.

Nét mặt bà Đào thêm rạng rỡ: “Hôm nay bà đến lớp muộn hơn một chút vì tắc đường đó con”, vừa nói với cô ĐDV, bà quay sang bảo chồng đi nhanh hơn để kịp tập thể dục cùng các bạn trong “lớp”.

Sau những động tác tập thể dục nhẹ nhàng, đón ly nước ép hoa quả từ cô ĐDV, ông bà ngồi vào bàn nhâm nhi và trò chuyện với các bạn già trong “lớp học”. Khi cốc nước ép vơi dần cũng là lúc các ông bà được chia thành từng nhóm nhỏ để tiếp tục tập các bài tập phục hồi chức năng chuyên sâu, phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người. 

Bà Đào cho biết, bà cùng chồng “đi học” được hơn 3 tháng. Ngày đầu đến với trung tâm, ông bà bỡ ngỡ như trẻ nhỏ mới đi học, nhưng chỉ sau hai ngày, được làm quen các cô ĐDV, bạn bè, hòa đồng và thấy vui, tối về nhà ngủ, ông bà háo hức chỉ mong nhanh đến sáng để được đến “lớp học”. 

Khi người già đi học... “mẫu giáo”: Lớp học ấm áp cho tuổi già - 2
Hàng ngày, xe đưa đón các cụ “đi học bán trú”, chiều xe lại đón các cụ về với gia đình quây quần bên con cháu.

Nở nụ cười đôn hậu, bà Đào chia sẻ: “Tôi có hai con gái, một đứa đã có gia đình, hiện vợ chồng tôi đang ở cùng con thứ hai. Ông nhà tôi năm nay 85 tuổi, mắc bệnh mất trí nhớ khá nặng nên có lần ông đi lạc ra công viên khiến cả nhà hốt hoảng đi tìm.

Còn tôi tuy sức khỏe khá hơn, nhưng cũng hay đãng trí nên nhiều khi nấu ăn hay để quên đồ ăn cháy khét lẹt trên bếp. Chưa kể, nhiều khi ở nhà xem tivi rồi tôi cùng ông nhà lại tranh luận với nhau, có lúc dẫn đến khá căng thẳng, gay gắt.

Thấy tình trạng sức khỏe của bố mẹ không được tốt, trong khi con gái đi làm từ sáng đến 7 giờ tối mới về, không yên tâm nên chúng nó bàn với nhau và tìm hiểu các mô hình nuôi dưỡng NCT rồi động viên để bố mẹ “đi học” hàng ngày”.

Vậy là đều đặn 8 giờ sáng mỗi ngày, từ thứ hai đến thứ sáu, con gái đặt xe taxi để hai ông bà đeo ba lô “đi học” như trẻ mẫu giáo; 5 giờ chiều lại đi taxi về nhà. Bữa cơm trưa ông bà ăn ở trung tâm, bữa tối được sum vầy cùng các con, sau đó xem tivi xong đi ngủ, sáng dậy lại “đi học”. 

“Mỗi ngày đến lớp tôi luôn thấy bình yên, trong lòng phấn khởi. Đến đây được bác sĩ khám bệnh, nhắc nhở uống thuốc đúng giờ, hướng dẫn luyện tập thể dục; trò chuyện cùng các bạn, được khám phá, làm những việc mà trước kia mình chưa có cơ hội để thể hiện như vẽ tranh, làm hoa...

Đặc biệt, các cháu điều dưỡng ở trung tâm rất ngoan, nhẹ nhàng, nhiệt tình, năng động và hay trêu đùa để các cụ cười, nói, vui vẻ, thoải mái và ăn uống thấy ngon hơn vì rất hợp khẩu vị.

Dịp lễ, Tết, 20/10, chúng tôi còn được trung tâm lo chu đáo, cho đi tham quan quanh phố cổ, mặc áo dài chụp rất nhiều ảnh để đăng Facebook, điều này từ trước tới giờ chúng tôi chưa có cơ hội”, bà Đào hào hứng kể.

Mỗi ngày đến lớp là một ngày vui

Khi người già đi học... “mẫu giáo”: Lớp học ấm áp cho tuổi già - 3
Người cao tuổi đến “lớp học”, được các điều dưỡng viên hướng dẫn động tác vận động an toàn.

Nhâm nhi ly trà khi vừa chơi xong ván cờ tướng với bác sĩ An - điều dưỡng của Trung tâm, ông Trần Hữu Kiêm (87 tuổi), ở phố Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ cho biết, ông bà đều có tuổi, trí tuệ không còn minh mẫn nên lúc nhớ khi quên là chuyện “như cơm bữa”.

Do vậy, để bố mẹ được vui với tuổi già, có nơi sinh hoạt cho có bạn bè, lại được ăn uống lành mạnh, tập luyện khoa học nên các con ông bà động viên bố mẹ hàng ngày “đi học” từ tháng 4/2024 tới giờ.

“Mới đầu vì bà xã nên tôi mới đi cùng, nhưng ngay buổi đầu nơi đây đã gây cho tôi ấn tượng tốt, bởi không gian rất thoáng mát, sạch sẽ, mọi thứ được sắp đặt gọn gàng theo trình tự, đa dạng dụng cụ tập thể dục và các trò chơi giải trí… Tôi thấy rất thích và hợp với tuổi già của mình nên cùng bà xã “đi học” đều cả tuần, chỉ nghỉ ngày chủ nhật”, ông Kiêm nói.

Hướng mắt về phía bàn cờ, ông Kiêm kể: “Vào đây tôi thích nhất chơi cờ tướng, được bác sĩ, ĐDV hướng dẫn các bài tập thể dục, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp với độ tuổi và bệnh tật của người già, tôi thấy người khỏe ra, chơi cờ cũng khiến đầu óc tôi có sự vận động hơn.

Ở nhà chúng tôi hay nói đùa với nhau là cụ già đi “nhà trẻ”. Bà nhà tôi, từ khi vào đây có thêm bạn bè giao lưu, tinh thần bà ấy sảng khoái, bệnh đãng trí cũng có phần cải thiện. Hôm nào hai ông bà cũng đều ăn hết suất.

Cơm không nhiều, nhưng ăn nhiều rau xanh, cá, thịt các món ăn được thay đổi, hợp khẩu vị nên ăn rất ngon… Có bữa bà xã tôi “mè nheo” còn được các ĐDV xúc cho ăn, dỗ dành, động viên như trẻ con ấy”, ông Kiêm nói rồi nở nụ cười sảng khoái.

Khi người già đi học... “mẫu giáo”: Lớp học ấm áp cho tuổi già - 4
Tại trung tâm, các cụ được chăm sóc tốt cả về thể chất lẫn tinh thần, giúp đẩy lùi bệnh tật.

Gần 11 giờ trưa, tiếng cười, nói vang vọng khắp Trung tâm khi các ông, bà cùng tham gia trò chơi “Tam sao thất bản”. Đây không chỉ là trò chơi đơn thuần, mà còn là cách để các cụ rèn luyện phản xạ, tinh thần và trí tuệ. Trí não được sáng tạo, trái tim thì đầy ắp hạnh phúc.

11 giờ, những suất ăn nóng hổi được bày biện, trang trí rất đẹp mắt và hấp dẫn được các ĐDV đặt ngay ngắn trên bàn. Lần lượt, các cụ ngồi vào vị trí của mình như trẻ mầm non để dùng bữa, thi thoảng lại có tiếng tấm tắc khen “hôm nay món nào cũng ngon…”. 

Đối với các cụ tay run, yếu không thể tự cầm đũa, thìa xúc cơm, các ĐDV lại ân cần xúc từng thìa cơm bón cho các cụ. “A, a, nào há to miệng nào, mẹ cố ăn thêm miếng này nhé, mẹ giỏi lắm, mẹ nuốt hết chưa ạ?”, mẹ vẫn đang ngậm cơm nhé”, một ĐDV lại nhẹ nhàng “dỗ” một bà cụ ăn thêm.

Đáp lại là nụ cười tươi, “ngoan ngoãn” của cụ bà không khác gì trẻ mầm non đi lớp. Các ĐDV ở trung tâm cho biết, nhiều cụ thích được gọi bằng mẹ, bằng chị và nhiều cụ không có con gái nên rất vui, tình cảm khi tiếp xúc với các ĐDV nữ.

Được chứng kiến bữa trưa, tôi thấy các cụ ăn rất ngon miệng, từ từ thưởng thức từng món, hầu các cụ đều ăn hết suất ăn của mình. Nhiều cụ cho biết, đồ ăn rất hợp khẩu vị của người già, có nhiều món lạ chưa biết đến… Có lẽ, đây là những bữa ăn thư thả, trọn vẹn và ý nghĩa nhất trong cuộc đời của các cụ, bởi cả tuổi xuân luôn vội vàng, vất vả vì con…

Một người nhà có mẹ “đi học” hàng ngày chia sẻ: “Vì bà bị bệnh Alzheimer (sa sút trí tuệ), việc cải thiện sức khỏe cũng như đảm bảo các yếu tố an toàn cho bà luôn phải được chú ý. Thực tế các cụ ở nhà dù có người giúp việc chăm sóc nhưng chưa được như mong muốn do thiếu kiến thức chuyên môn về y tế.

Khi biết đến Nhân Ái Daycare với mô hình chăm sóc ban ngày, gia đình đã đưa bà đến trải nghiệm và nhận thấy phương pháp chăm sóc rất khoa học.

Thông qua các phương pháp tập luyện, chăm sóc dinh dưỡng, vật lý trị liệu cũng như giao lưu đọc sách, xem phim, giao lưu trò chuyện… đã giúp bà có được tinh thần vui vẻ, trẻ trung, giảm được tình trạng kích động về tâm lý, kiểm soát được toàn bộ sự an toàn và sức khỏe của bà”.

Cù Hoà - Thuỳ Hương

Báo Lao động và Xã hội số 140

Tin liên quan
Áp lực thế hệ “bánh mì kẹp”

Áp lực thế hệ “bánh mì kẹp”

(LĐXH) - Ngày nay, các cặp vợ chồng thường sinh ít để có điều kiện chăm sóc con tốt. Nhưng điều này cũng tạo ra những áp lực đối với thế hệ “bánh mì...