Richard Keil là người Đức nhưng bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng có thể là nơi làm việc của anh miễn là có máy tính xách tay và mạng wifi. Kỹ sư phần mềm 26 tuổi này đang làm việc cho công ty công nghệ thông tin có trụ sở tại Đức nhưng đã đi du lịch và làm việc từ xa ở các quốc gia như Malaysia và Singapore.
“Phần tuyệt vời của phong cách làm việc này là tính linh hoạt. Tôi có thể quan sát và trải nghiệm một quốc gia khác. Tôi được tự do lựa chọn nơi làm việc của mình”, Keil cho biết.
Những người như Keil được gọi là "dân du mục kỹ thuật số". Đây là những người làm việc từ xa khi họ đi khắp thế giới. Theo Hiệp hội Du mục kỹ thuật số Nhật Bản tại Mitane (tỉnh Akita), thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên vào cuối những năm 1990, tuy nhiên đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhiều người áp dụng cách sống và làm việc này hơn.
Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng thu hút thêm nhiều dân du mục kỹ thuật số như một phần trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế khu vực và tạo ra các cơ hội kinh doanh. Trong thời gian lưu trú tại Nhật Bản từ tháng 8 đến 9, anh Keil đã làm việc từ xa tại S-Tokyo, văn phòng làm việc chung ở quận Chuo, Tokyo.
Cơ sở này mở cửa vào tháng 4 và phục vụ những người du mục kỹ thuật số. Văn phòng mở cửa 24 giờ mỗi ngày vì hầu hết khách hàng làm việc cho các công ty bên ngoài Nhật Bản và có nhân viên nói tiếng Anh.
Trong thời gian ở đó, Keil đã khám phá các điểm thăm quan vào ban đêm ở Tokyo và ở trong ngôi nhà chung của thành phố. Anh cũng đi đến các vùng nông thôn vào cuối tuần.
S-Tokyo cũng tổ chức các sự kiện giúp những người du mục kỹ thuật số làm quen với nhau và với dân địa phương, đồng thời tạo cơ hội cho những người du mục kỹ thuật số từ nhiều khu vực trên khắp Nhật Bản trao đổi ý tưởng. “Tôi cảm thấy thoải mái khi ở lại Nhật Bản vì cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tốt”, anh nói.
Theo trang web thông tin du lịch của Mỹ A Brother Abroad, khoảng 35 triệu người du mục kỹ thuật số trên toàn thế giới. Chính phủ và các thành phố Nhật Bản cũng đã bắt đầu nỗ lực thu hút dân du mục kỹ thuật số đến đất nước.
Cơ quan Du lịch Nhật Bản đã chọn ra 5 chương trình lưu trú do các thành phố và công ty địa phương cung cấp làm dự án thí điểm. Cơ quan trên cung cấp tới 10 triệu yên (1,67 tỷ đồng) cho mỗi dự án và sẽ xem xét tác động của chúng đối với nền kinh tế địa phương và những điểm cần cải thiện.
Ngày 1/10, chương trình Colive Fukuoka đã được khởi động với mục tiêu thu hút dân du mục kỹ thuật số đến với thành phố. Sự kiện này dự kiến đón khoảng 400 dân du mục kỹ thuật số từ hơn 50 quốc gia và khu vực, có nhiều chương trình du lịch bao gồm các gian hàng bán đồ ăn địa phương và trải nghiệm trên nhà thuyền yakatabune.
Thành phố cũng tổ chức các sự kiện gặp gỡ cho những người du mục kỹ thuật số và những người khởi nghiệp tại địa phương vì hy vọng tương tác này sẽ dẫn đến các cơ hội kinh doanh mới. Thành phố đã tổ chức sự kiện tương tự vào tháng 10/2023. Khoảng 49 dân du mục kỹ thuật số từ 24 quốc gia và khu vực đã tham gia và chi khoảng 20 triệu yên (gần 3,4 tỷ đồng) trong một tháng.
Ông Toshio Haraguchi, Giám đốc sở du lịch thành phố cho biết: “Chúng tôi muốn quảng bá Fukuoka để thành phố này trở thành điểm đến của dân du mục kỹ thuật số”.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã tạo ra một loại thị thực cho dân du mục kỹ thuật số. Nếu đáp ứng được một số điều kiện nhất định, như thu nhập hàng năm trên 10 triệu yên, một cá nhân có thể xin được thị thực ở lại tối đa 6 tháng.
Ông Ryo Osera, giám đốc điều hành Hiệp hội Du mục kỹ thuật số Nhật Bản cho biết: "Đây là bước tiến quan trọng khi chính phủ công nhận những người du mục kỹ thuật số thông qua các sáng kiến bao gồm việc tạo ra loại thị thực này. Đồng thời, nhiều điểm trong chương trình vẫn cần được cải thiện”.
Loại thị thực này có một số nhược điểm nhất định, như thời gian lưu trú ngắn hơn so với các loại thị thực tương tự ở Hàn Quốc và Đài Loan và người sở hữu thị thực không thể ký hợp đồng lao động với các công ty nội địa trong thời gian lưu trú.
Ông Osera (41 tuổi) cho biết: “Để thu hút nhiều dân du mục kỹ thuật số hơn, chúng ta cần tạo ra môi trường giúp họ dễ dàng lưu trú và làm việc thoải mái”. Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông nước ngoài đưa tin, làn sóng dân du mục kỹ thuật số đã góp phần làm tăng chi phí thuê nhà ở các quốc gia như Bồ Đào Nha và Mexico.
Ông Osera cho biết điều này có thể xảy ra ở Nhật Bản: “Khi dân số Nhật Bản giảm, chúng ta phải làm gì đó cho nền kinh tế ở các vùng nông thôn”. “Thay vì khách du lịch ngắn hạn, tốt hơn nhiều là thu hút những người du mục kỹ thuật số có tiềm năng đóng góp cho nền kinh tế trong dài hạn, hướng tới 10 hoặc 20 năm tới”, ông nhấn mạnh.
Đức Hoàng (theo Straits Times)
Báo Lao động và Xã hội số 127