Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhiều hệ lụy từ việc mua bán nhà đất bằng giấy viết tay

(Dân sinh) - Tình trạng các “đầu nậu” ồ ạt phân lô trên đất công, đất nông nghiệp rồi thi công hạ tầng đường, điện, xây hàng loạt nhà không phép trên địa bàn TP. Phú Quốc... khiến hàng loạt người dân mua nhà đất bằng giấy tay lâm cảnh ngày đêm lo sợ mất nhà.

“Làng biệt thự” xây dựng không phép 

Thời gian quan, tình trạng phân lô, thi công hạ tầng, xây nhà kiên cố trên đất nông nghiệp trái quy định diễn ra trái quy định trên địa bàn TP. Phú Quốc. Theo đó, các khu đất mà “đầu nậu” tiến hành phân lô đều là đất nông nghiệp, chưa được chuyển mục đích sử dụng. Thế nhưng các “đầu nậu” vẫn ngang nhiên tiến hành san gạt mặt bằng, sau đó làm đường, dựng cột đèn, phân lô, bán nền cho người dân. 

Điển hình, tại khu vực ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, TP. Phú Quốc mọc lên “làng biệt thự” xây dựng tự phát trên diện tích hơn 180.000m2 với quy mô rất hoành tráng. 

Các căn biệt thự được thiết kế mẫu mã tương đối giống nhau, trước nhà là một con đường bê tông khoảng 7m, chiều dài con đường nội bộ khoảng 300m. (Ảnh: Đức Hải).

Các căn biệt thự được thiết kế mẫu mã tương đối giống nhau, trước nhà là một con đường bê tông khoảng 7m, chiều dài con đường nội bộ khoảng 300m. (Ảnh: Đức Hải).

Các căn biệt thự trong “làng biệt thự” có diện tích từ 500m2 -1.000m2, được thiết kế mẫu mã tương đối giống nhau. Trước nhà là một con đường bê tông khoảng 7m, chiều dài con đường nội bộ khoảng 300m được đấu nối vào trục đường giao thông chính, đầu đường còn đặt một trạm biến áp điện và các cột điện được trồng hai bên đường dẫn điện vào các căn biệt thự.  

Thông tin với báo chí, nhiều hộ dân thừa nhận mua đất giấy tay từ các "đầu nậu", xây dựng không phép. Bà Nguyễn Thị Kiều Diễm - người đang sở hữu một căn biệt thự tại đây cho hay: Tôi mua nền đất này vào năm 2019 với giá hàng tỷ đồng. Suốt 4 tháng, tôi xây dựng căn nhà diễn ra rất bình thường. Chính quyền địa phương không đến lập biên bản vi phạm gì, sau khi xây dựng hoàn tất thì vào ở đến nay. Gần khu tôi ở cũng có nhiều người đang sinh sống, điện nước sinh hoạt có đầy đủ.

Bà Nguyễn Thị Kiều Diễm thông tin về nguồn gốc khu đất mà bà xây nhà ở.

Bà Nguyễn Thị Kiều Diễm thông tin về nguồn gốc khu đất mà bà xây nhà ở.

"Đến khoảng đầu tháng 9/2022, tôi và các hộ dân sinh sống nơi đây nghe có Tổ công tác đặc biệt của tỉnh Kiên Giang đang thực hiện việc thanh tra tình trạng quản lý và sử dụng đất tại TP Phú Quốc, trong đó có khu đất mà chúng tôi đã mua. Hiện khu đất của tôi đang ở đã có 2 căn nhà bị lập biên bản vi phạm hành chính và tiến hành cưỡng chế tháo dỡ", bà Diễm chia sẻ trong tình trạng lo lắng.

Còn bà Phạm Thị Thúy cho biết: Vào năm 2019, bà đã đến thăm quan khu đất, khi ấy đã được phân lô với diện tích khoảng 500m2/lô. Tại thời điểm đó, khu đất đã hoàn thành cơ sở hạ tầng, với đường bê tông và vỉa hè có chiều ngang khoảng 8m, chiều dài con đường nội bộ dài khoảng 300m. Các con đường này được đấu nối vào trục đường chính, 2 bên đường mỗi bên có 15 nền biệt thự, có điện lưới quốc gia hạ thế và đã có nhiều căn biệt thự được xây dựng hoàn chỉnh, có người dân sinh sống.

Một căn biệt thự đang trong quá trình xây dựng. (Ảnh: Đức Hải).

Một căn biệt thự đang trong quá trình xây dựng. (Ảnh: Đức Hải).

"Sau khi xem các loại giấy tờ liên quan đến khu đất, đồng thời, bên chuyển nhượng khẳng định là khu đất này không có Quyết định thu hồi đất của cơ quan ban ngành nào cũng như không có tranh chấp. Vì vậy, tôi đã quyết định mua một lô đất trong khu đất này, ngoài hợp đồng kèm theo bản vẽ vị trí lô, mẫu thiết kế nhà chung cho toàn khu và tiến hành xây dựng căn biệt thự theo mẫu thiết kế trong 4 tháng thì hoàn thành công trình và vào ở cho tới nay", bà Thuý nói thêm.

Hệ luỵ từ việc mua bán nhà đất bằng giấy viết tay 

Việc làm hạ tầng, xây nhà sai quy định của pháp luật trên đất nông nghiệp gây ra những hệ lụy như: Phá vỡ quy hoạch, hình thành lên các khu dân cư tự phát, ảnh hưởng đến công tác an sinh xã hội, tiềm ẩn nguy cơ về mất trật tự an ninh trật tự,…

Trung bình, giá trị mỗi căn biệt thự tại đây khoảng 5 tỷ đồng. (Ảnh: Đức Hải).

Trung bình, giá trị mỗi căn biệt thự tại đây khoảng 5 tỷ đồng. (Ảnh: Đức Hải).

Lý giải với báo chí về việc tại sao nhiều căn biệt thự mọc lên trong thời gian dài mà chính quyền lại không có biện pháp xử lý, UBND xã Dương Tơ thông tin: Xã gặp khó khăn do lực lượng mỏng, địa bàn lớn, không thể cử người theo sát được,... Xã có áp dụng một số biện pháp như phát loa, ra thông báo dán tại khu vực xây trái phép và tiến hành cưỡng chế tháo dỡ nhiều căn nhà, cuốc đường,... Tuy nhiên, địa bàn rộng lớn, khối lượng tài sản lớn nhưng người dân mua bán giấy tay, lại không đến chính quyền địa phương để hỏi rõ.

Sau khi UBND tỉnh lập Tổ công tác đặc biệt, xã phối hợp, ra thông báo yêu cầu các cá nhân, tổ chức cung cấp hồ sơ mua bán đất tại khu vực này. Hiện 55 người dân trong khu vực đã cung cấp giấy tờ chuyển nhượng. Cho đến thời điểm hiện tại, một số đường vào khu vực được đào hố để hạn chế đi lại, áp dụng biện áp cắt điện để xem xét xử lý.

Hiện người dân sống trong khu vực này đang ngày đêm lo sợ căn nhà trị giá nhiều tỷ đồng sẽ bị cưỡng chế bởi xây dựng trên đât nông nghiệp. Người dân cho biết họ đã đồng loạt gửi đơn cầu cứu, đơn xin được cứu xét đến các lãnh đạo trung ương, UBND tỉnh Kiên Giang, UBND TP. Phú Quốc,... với mong được được các cấp, ban ngành từ trung ương đến địa phương xem xét một cách “thấu tình đạt lý”.

Ngày 9/11, Ban thực hiện cưỡng chế của UBND TP. Phú Quốc (Kiên Giang) đã cưỡng chế, phá dỡ hoàn toàn 2 căn biệt thự xây dựng trái phép tại xã Dương Tơ.

Ngày 9/11, Ban thực hiện cưỡng chế của UBND TP. Phú Quốc (Kiên Giang) đã cưỡng chế, phá dỡ hoàn toàn 2 căn biệt thự xây dựng trái phép tại xã Dương Tơ.

Thành lập tổ công tác đặc biệt về đất đai ở Phú Quốc

Trước tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn TP. Phú Quốc diễn biến ngày càng phức tạp, tạo dư luận không tốt đến an ninh trật tự trên địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng về lấn, chiếm; lấn chiếm rừng; phá rừng trái pháp luật; sử dụng đất không đúng mục đích; xây dựng công trình không đúng quy định trên đất rừng, đất nông nghiệp,… Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Lâm Văn Thành đã ký Quyết định 1397/QĐ-UBND "thành lập Tổ công tác đặc biệt".

Tổ công tác này do ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng cùng 3 tổ phó (gồm ông Diệp Văn Thế - Phó Giám đốc Công an tỉnh; ông Trương Thanh Hào - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc) và hơn 10 thành viên là các đại diện sở, ban, ngành của tỉnh.

Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn TP. Phú Quốc. Thời gian thực hiện từ ngày 15/6 đến hết 31/12/2022.