Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhiều nghệ nhân quốc tế tham gia Festival nghề truyền thống Huế 2023

(Dân sinh) - Sáng 14/4, UBND TP Huế tổ chức họp báo thông tin về Festival nghề truyền thống Huế 2023. Lễ hội năm nay sẽ diễn ra từ ngày 28/4 đến 5/5/2023 với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt".

Festival nghề truyền thống Huế 2023 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn. Ảnh tư liệu

Festival nghề truyền thống Huế 2023 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn. Ảnh tư liệu

Theo BTC, Festival nghề truyền thống Huế là lễ hội có ý nghĩa lớn về văn hóa, kinh tế - xã hội mang tầm quốc gia và có yếu tố quốc tế, nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của Huế. Đây là nơi hội tụ trí tuệ và tài năng cùng những sản phẩm độc đáo của các nghệ nhân đến từ các làng nghề trong tỉnh Thừa Thiên Huế và nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt có sự tham gia của nhiều nghệ nhân đến từ các thành phố quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị, kết nghĩa với Huế. 

Tại kỳ lễ hội này, du khách và người dân Huế sẽ được thưởng ngoạn tinh hoa của bao thế hệ nghệ nhân qua trải nghiệm nhiều hoạt động nghề một cách sống động diễn ra trong không gian trữ tình, lãng mạn ở hai bờ sông Hương và cầu Trường Tiền. Bên cạnh đó, các hoạt động cộng đồng hưởng ứng sẽ được tổ chức trải rộng khắp các khu vực trung tâm và vùng lân cận thành phố Huế.

Festival nghề truyền thống Huế 2023 gồm 21 nhóm nghề: dệt; nghề mộc mỹ nghệ, điêu khắc, chạm khảm, sơn mài, sơn son thếp vàng; kim hoàn; mây tre đan, tre mỹ nghệ; nón lá; hương trầm; bánh Tét bánh Chưng; mè xửng; nghề làm sản phẩm từ giấy; nghề tranh dân gian truyền thống; gốm sứ, nghề làm diều; nghề pháp lam; nghề làm đầu Lân; nghề đúc đồng; nghề làm lồng đèn; nghè rèn; nghề truyền thống bánh bèo, nậm, lọc; nghề áo dài, phấn nụ,… Lễ hội có sự tham gia của 69 làng nghề, cơ sở nghề và trên 350 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước: Hòa Bình, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Thuận, Quảng Nam, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế. Sản phẩm của các nhóm nghề trên có truyền thống lâu đời, đã được khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Tại Festival nghề truyền thống Huế 2023, cũng sẽ có 37 nghệ nhân của 6 thành phố có quan hệ kết nghĩa, hợp tác với Huế đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản tham dự. Đặc biệt có sự tham gia của các đoàn biểu diễn nghệ thuật: Cà kheo (Bỉ), Nhạc cụ truyền thống, Biểu diễn K-Pop, Biểu diễn võ thuật nhảy đương đại Taekwondo, trình diễn Hàn phục và hát Diễn Xướng (Hàn Quốc).

Trong khuôn khổ Festival Huế 2023 sẽ quy tụ các chương trình, hoạt động truyền thống như: không gian trưng bày, thao diễn và giới thiệu các sản phẩm nghề và làng nghề truyền thống Huế của một số địa phương tiêu biểu trong cả nước và các thành phố quốc tế; Lễ tế Tổ bách nghệ và Lễ rước tôn vinh nghề - nghi lễ tri ân và tôn vinh các giá trị nghề thủ công truyền thống Việt Nam, tôn vinh và ghi nhớ công lao của tiền nhân, vinh danh các làng nghề, các thế hệ nghệ nhân và một số chương trình hấp dẫn khác, góp phần tạo nên một kỳ festival mới lạ và đặc sắc. Ngoài các chương trình có dấu ấn từ các kỳ Festival trước như: Lễ Khai mạc, Bế mạc Festival nghề truyền thống Huế, Lễ tế tổ bách nghệ - Lễ rước tôn vinh nghề, Lễ hội ẩm thực,... Festival lần này sẽ có thêm nhiều chương trình nghệ thuật mới, lần đầu tiên được tổ chức như: Chương trình "Tri ân dòng Hương", Lễ hội Quảng diễn đường phố, Chương trình giao lưu Văn hoá - Nghệ thuật giữa thành phố Huế và các thành phố hợp tác, kết nghĩa trong nước và quốc tế, Chương trình nghệ thuật "Giai điệu trẻ"…

Festival nghề truyền thống Huế 2023 sẽ tổ chức các hình thức khám chữa bệnh và phô diễn tài năng cho các thầy thuốc đông y của ngành y học cổ truyền vốn là đặc trưng của Huế, đã được giới thiệu lần đầu tại Festival nghề truyền thống Huế 2019. 

Bên cạnh đó, sẽ có không gian triển lãm "Thiết kế thủ công sáng tạo" với sự tham gia của 17 cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà thiết kế trong và ngoài tỉnh với những sản phẩm mang tính ứng dụng sáng tạo cao dựa trên sản phẩm nghề truyền thống. Song song với đó là sự kiện Talkshow chủ đề đổi mới sáng tạo, hoạt động tọa đàm giữa các chuyên gia, nhà thiết kế trong lĩnh vực thủ công truyền thống với các nghệ nhân, làng nghề.

Cách bố trí không gian giới thiệu nghề truyền thống tại Festival năm nay cũng là một điểm nhấn đáng chú ý. BTC đã bố trí, sắp đặt không gian với sự kết hợp giữa nhà rường truyền thống Huế với nhà tranh tre hài hòa, gần gũi thiên nhiên với hình thức trang trí đẹp, mang tính nghệ thuật cao, bên cạnh đó là các điểm check-in đầy ấn tượng mang màu sắc văn hóa dân tộc... Mỗi gian hàng được trưng bày sẽ là một câu chuyện về nghề, giới thiệu tập trung những sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn Việt cũng như sự hội nhập quốc tế.

Các không gian đi bộ và cảnh quan với cầu đi bộ trên sông Hương kết nối với hệ thống đường đi bộ bờ Nam sông Hương cùng phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu, phố đêm Hoàng Thành Huế, phố đi bộ Hai Bà Trưng....được Ban tổ chức khai thác triệt để và thường xuyên có các hoạt động cộng đồng hưởng ứng. Tất cả tạo thành một không gian nên thơ trải dài dọc bờ sông Hương với nhiều hoạt động hấp dẫn trong ngày hội Festival.