Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhiều nhân viên và cán bộ ngành Y tế tại TP HCM nghỉ việc

(Dân sinh) - PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, biến động nguồn nhân lực y tế (nhân viên y tế công lập) nghỉ việc có xu hướng tăng; một số cán bộ quản lý y tế xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.

Ngày 5/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã có buổi gặp gỡ với cán bộ, nhân viên ngành y tế TP.HCM.                               

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế TP Tăng Chí Thượng đã nhắc lại công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP cách đây 1 năm, đồng thời cho biết, từ công tác phòng, chống dịch, ngành y tế TP đã rút ra 10 bài học kinh nghiệm quý trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó có chiến lược “mỗi phường, xã, thị trấn là một pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ”; Xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo dịch; Chiến lược điều trị theo 2 trụ cột: chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng và điều trị tại bệnh viện; Huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho công tác phòng, chống dịch… 

Hiện nay TP.HCM không chỉ nhân viên y tế công lập nghỉ việc có xu hướng tăng mà cả một số cán bộ quản lý y tế nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.

Hiện nay TP.HCM không chỉ nhân viên y tế công lập nghỉ việc có xu hướng tăng mà cả một số cán bộ quản lý y tế nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.

Theo PGS Tăng Chí Thượng, hiện TP đang đứng trước 4 nguy cơ: Thứ nhất là dịch chồng dịch; thứ 2 là nguy cơ thiếu thuốc vật tư; thứ 3 là biến động nguồn nhân lực y tế; nguy cơ thứ 4 là xuất hiện tâm lý lo lắng trong một bộ phận nhân viên y tế. Riêng về biến động nguồn nhân lực, đại diện Sở Y tế TP cho biết, tổng số viên chức y tế nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2022 là 891 người. Số người làm việc trong các cơ sở y tế công lập năm 2021 là 42.914 người và hiện nay là 42.608 người.

Tuy tổng số người làm việc giảm không nhiều so với năm 2021 (306 người), nhưng gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập vì hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên, kinh nghiệm, còn người mới được tuyển dụng là nhân viên mới cần có thời gian để thực hành, tập sự. Trước tình trạng trên ngành y tế TP triển khai các giải pháp không để bị động trước nguy cơ “dịch sốt xuất huyết chồng dịch Covid-19”; Không để tình trạng thiếu thuốc xảy ra trên diện rộng; Tăng cường hỗ trợ nhân lực chuyên môn và nhân lực quản lý đối với những đơn vị bị thiếu hụt nguồn nhân lực. Cùng với đó là triển khai 1 số giải pháp ổn định tâm trạng lo lắng của nhân viên y tế. 

Chia sẻ về thời điểm gặp khó khăn trong công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành uỷ TP.HCM cho biết, khi dịch bệnh tràn về người thầy thuốc, các bác sĩ tự đi lo và huy động lực lượng cùng tham gia. Lãnh đạo TP nhận được nhiều động viên chia sẻ của nhiều thầy thuốc, các giáo sư… chia sẻ như đã thấu hiểu được nỗi lo của mình. Lãnh đạo TP cảm ơn về việc đó.

Lãnh đạo TP.HCM cho rằng, cuộc gặp hôm nay không thể chia sẻ được sâu sắc, được hết những tâm tư của cán bộ, nhân viên y tế hiện nay nhưng không có cách nào khác hơn, lãnh đạo cũng muốn lắng nghe các ý kiến và mong muốn các đại biểu tham dự buổi gặp gỡ cùng bàn, để có thể đưa ra giải pháp.  

Qua theo dõi thông tin của một cuộc điều tra xã hội và những trao đổi thực tế với cán bộ y tế, bác sĩ trẻ, ông  Nên cho rằng, một trong những “vaccine của ngành y tế” hiện nay là điểm tựa tinh thần. Lương quan trọng nhưng tình cảm, môi trường làm việc, môi trường cống hiến cũng rất quan trọng. Khi cường độ công việc cao cần người lãnh đạo chia sẻ, thấu cảm, tạo điều kiện; người lãnh đạo cần làm điểm tựa cho anh em “chiến đấu”; cần tiếp thêm tinh thần, năng lượng, chia sẻ tình cảm thì chúng ta mới đủ sức vượt qua được.

Tại buổi làm việc, Sở Y tế TP.HCM cũng nêu ra 6 kiến nghị:

Thứ nhất, thí điểm thi tuyển các chức danh quản lý của ngành, trước hết là chức danh giám đốc Bệnh viện Mắt.

Thứ 2, cần có cơ chế, chính sách để củng cố và mở rộng mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng.

Thứ 3, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 1 về các chính sách đặc thù củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và đến năm 2025 và có chính sách hỗ trợ lâu dài.

Thứ 4, không giảm số biên chế của ngành y tế, đánh giá lại khả năng tự chủ của các đơn vị để cấp kinh phí hoạt động phù hợp.

Thứ 5, có giải pháp hỗ trợ cho các đơn vị tự chủ chi thường xuyên về việc trích lập nguồn cải cách tiền lương để đảm bảo thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế.

Thứ 6, kiến nghị lãnh đạo TP tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền, tiếp tục củng cố quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, và nhất là vai trò điều phối, tham mưu của Văn phòng UBND TP đối với hoạt động chăm lo sức khoẻ nhân dân.