Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhớ những lời dạy của Bác Hồ về chăm lo gia đình hạnh phúc

Ngày 28/6 hàng năm được chọn là ngày Gia đình Việt Nam nhằm tôn vinh những giá trị gia đình – giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp về gia đình từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam.

Năm 2022 với chủ đề “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc", cũng là dịp để chúng ta nhìn lại và thực hiện lời dạy của Bác về gia đình, nhằm xây dựng gia đình Việt Nam mà Đảng ta đã đặt ra mục tiêu “Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường trực tiếp, quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”.

Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm, đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. Vì vậy, Bác từng nói: “Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”.

Trong thư ngày 31/10/1955, Bác viết: “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp đỡ nhà trường giáo dục và khuyến khích các em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”. Trong gia đình, cha mẹ là người có ảnh hưởng rất lớn đối với con trẻ, vì vậy, Bác “mong cha mẹ học trò hết sức giúp đỡ nhà trường trong việc giáo dục con em chúng ta cho có kết quả tốt đẹp” .

Nói chuyện tại Hội nghị Cán bộ Đảng ngành Giáo dục tháng 6/1957, Bác căn dặn cán bộ đảng viên ngành giáo dục: “Phải nhất thiết liên hệ mật thiết với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi (Ảnh tư liệu)

Theo Bác, giáo dục trẻ em là cần làm cho trẻ biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ làm cho chúng trở nên già cả. Để làm được điều đó, giáo dục gia đình giữ vai trò rất quan trọng. Bác khuyên mọi người trong gia đình phải quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau để mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ văn hóa, thi đua với nhau vươn lên thực hiện tốt nghĩa vụ của mỗi người đối với gia đình và đất nước.

Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình ngày 10 tháng 10 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”

Giáo dục trong gia đình, theo Người là mỗi người nhắc nhở, dạy bảo nhau, các cụ phụ lão thi đua, đốc thúc con cháu tham gia mọi công việc, các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp đỡ người lớn, “vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo”. Bác nhắc nhở trong gia đình các bậc cha mẹ phải gương mẫu trước con em, trẻ em hay bắt chước cho nên các thầy giáo, cha mẹ đều phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm. Trong xã hội hiện nay còn tồn tại nhiều tệ nạn, những cám dỗ đối với trẻ em, gia đình chính là nơi bảo vệ và giúp cho con em mình duy trì được lối sống văn hóa. Và chính gia đình là nơi khởi đầu những ý tưởng đầu tiên của con trẻ về sự tự chủ, vâng lời, về sự thật, sự tha thứ, hình thành lối sống văn hoá tốt đẹp, lòng yêu nước, sự đùm bọc lẫn nhau.

Bác Hồ thăm gia đình đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ thăm gia đình đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc (Ảnh tư liệu)

Đối với người Việt Nam, quan hệ gia đình là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình là nơi duy trì truyền thống và truyền giao những giá trị văn hóa. Là cơ sở cho sự trật tự, ổn định xã hội và hình thành nhân cách con người. Do đó, xây dựng gia đình nề nếp, có văn hóa, xây dựng “gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng con người mới trong thiết chế xây dựng gia đình văn hóa hiện nay.

Bác Hồ được sinh ra, lớn lên và trưởng thành cũng từ cái nôi của một gia đình mang đậm những truyền thống của văn hóa Việt Nam. Chăm lo cho thế hệ thiếu niên và nhi đồng trong gia đình được Bác đặc biệt quan tâm. Với các em thuộc thế hệ mầm non, việc thi đua thực hiện tốt “Năm điều Bác Hồ dạy” là động lực để thúc đẩycác em luôn chăm ngoan, học giỏi, nghe lời thầy cô, ông bà, cha mẹ, thương yêu bạn bè…. để xứng đáng là “Cháu ngoan Bác Hồ”.

Hồ Chí Minh cho rằng, giáo dục gia đình không chỉ bó hẹp trong phạm vi từng gia đình riêng lẻ mà phải mở rộng tác dụng ra làng xã và toàn xã hội, phải chăm lo đến cả con cái những gia đình khác trong đại gia đình của dân tộc ta. Bác căn dặn: “Con trẻ là cái mầm, cái bóng của dân tộc, con trẻ được gia đình nuôi dưỡng, giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường, tự lập”.

Và chính Bác đã nêu một tấm gương mẫu mực cho các bậc cha mẹ và người lớn về sự quan tâm chăm sóc trẻ thơ, mang lại cho trẻ em hạnh phúc được sống cùng cha mẹ, được hưởng quyền dân chủ, được vui chơi và học hành tiến bộ. Bác rất coi trọng việc giáo dục trẻ em biết kính yêu thầy cô và giúp đỡ cha mẹ.

Đêm Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mặc dù công việc bộn bề, đất nước còn nhiều khó khăn, Bác đã dành thời gian nói chuyện với thiếu nhi, Bác căn dặn: Các em nên rèn luyện đức tính thành thật và dũng cảm, ở trường thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết và giúp đỡ cha mẹ, ở xã hội thì tùy sức mình mà tham gia những việc có lợi chung…

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đang bị phai nhạt khiến cho nhiều gia đình Việt có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, nền tảng xã hội thiếu vững chắc. Ngày Gia đình Việt Nam đang trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh, giáo dục, động viên mọi người thể hiện tình thương yêu và trách nhiệm đối với tổ ấm của mình, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với tương lai của dân tộc.

Vì vậy, nhân ngày Gia đình Việt Nam, mỗi người chúng ta cần có trách nhiệm cùng sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, thực hiện tốt các chính sách cho người nghèo, phát huy vai trò của gia đình và giáo dục gia đình, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.