Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhớ những mùa thu xưa

(Dân sinh) - Sài Gòn có mùa thu không? Sài Gòn không nồng nàn hoa sữa, không ngọt ngào hương cốm mới, không dịu dàng lá vàng bay .... Sài Gòn nắng miên man, Sài Gòn mưa ào ạt qua từng con phố... nhưng Sài Gòn vẫn có thu, những mùa thu cách mạng.

74 năm trôi qua, kể từ ngày Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình, ngày 2 tháng 9 năm 1945, thời gian đã làm phai nhòa mọi thứ, kể cả trí nhớ của con người nhưng dường như đâu đây ta vẫn còn nghe lời của Bác: "Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy". Ngày ấy, khi cả Hà Nội im phăng phắc, rưng rưng lắng nghe từng lời của Người thì ở Sài Gòn hàng chục ngàn người dân Sài Gòn – Gia Định cũng tập trung về quảng trường Norodom (nay là công viên 30/4) để tham gia cuộc mít tinh và diễu hành lớn, trong niềm vui nước nhà độc lập.

Nhớ những mùa thu xưa - Ảnh 1.

Khu căn cứ Vườn Cau Đỏ - Quận 12 TP.Hồ Chí Minh

Dù háo hức chờ đợi nhưng lúc ấy người Sài Gòn không nghe được lời của Bác (do phương tiện kỹ thuật thô sơ nên gặp trục trặc trong việc tiếp sóng). Tuy nhiên tất cả đã vỡ òa cảm xúc khi Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Trần Văn Giàu kết thúc bài diễn văn bằng lời kêu gọi: "Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!". Giây phút lịch sử ấy vẫn mãi khắc ghi trong lòng người dân Sài Gòn, Nam Bộ. Niềm tự hào, lời thề quyết giữ vững nền độc lập đã đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, trở thành lời hứa quyết dựng xây và phát triển đất nước kể cả trong những thời kỳ khó khăn nhất. Sài Gòn đã vào thu với không khí hừng hực của những ngày cách mạng.

Nhớ những mùa thu xưa - Ảnh 2.

Người dân gói bánh mừng Tết độc lập

Trong khi đó ở vùng ven Sài Gòn, từ Mười tám thôn vườn trầu đến Vườn cau đỏ (Căn cứ Lõm) kéo dài đến chiến khu An Phú Đông chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến với sự tổ chức chiến đấu khá chặt chẽ. Các đặc điểm về địa hình được khai thác triệt để nhưng trên hết vẫn là ý chí sục sôi yêu nước căm thù giặc. Nam giới luân phiên nhau canh gác ở những nơi xung yếu ven sông Sài Gòn và những giao lộ dẫn vào xã. Những người làm nhiệm vụ canh gác không hề có vũ khí. Trên tay họ chỉ có một cái mõ tre hoặc một tù và làm bằng sừng trâu. Hễ thấy giặc đến thì gõ ba hồi mõ hoặc thổi ba hồi tù và báo động rồi tự rút về (mõ báo động về đường thủy, tù và báo động về đường bộ). Ngoài ra, tại các trạm gác đều bố trí mạng lưới trật tự viên (sau là công an) làm nhiệm vụ theo dõi đề phòng bọn phản động, do thám của địch ra vào và ngăn chặn không cho nông dân địa phương đưa lương thực, thực phẩm vào bán trong thành phố nhằm thực hiện lệnh phong tỏa kinh tế địch. Toàn bộ lực lượng vũ trang ở vùng ven lúc bấy giờ hầu như súng ống rất ít, phần lớn chỉ được trang bị ná và gậy tầm vông. Còn các lực lượng võ trang của các đơn vị tỉnh, quận, thị trấn thì đóng rải rác khắp trên địa bàn.

Nhớ những mùa thu xưa - Ảnh 4.

Học sinh dâng hương tưởng niệm tại Vườn Cau Đỏ

Chưa đầy hai tháng sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, cuộc sống của người dân ven đô đã thay đổi rất nhiều. Không khí sôi nổi phấn khởi bao trùm khắp các xã, ngày cũng như đêm. Những người nông dân đều cảm nhận được sự thay đổi của thân phận mình từ một người dân nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, sự chuyển đổi này tạo ra trong tâm lý mỗi người sự hồ hởi, sự phấn khởi rất lớn. Đặc biệt, xuất hiện một hình ảnh đẹp đẽ mà trước đây chưa từng có: đêm đêm, dưới ánh đuốc lá dừa, bà con lại kéo nhau về các điểm tập trung để sinh hoạt chính trị tập thể. Nhà nhà vào ban đêm không cần cài cửa. Mọi tranh chấp về quyền lợi, những tệ nạn...tất cả đều tự tan biến dưới niềm vui độc lập nhiệm màu.

Nhớ những mùa thu xưa - Ảnh 5.

Thiếu nữ Thành phố Hồ Chí Minh

Sài Gòn lại vào thu. Bao nhiêu mùa thu qua với những mất mát thăng trầm và cả những niềm vui thắng lợi. Sài Gòn vào thu trên con kênh Nhiêu Lộc quanh co trong thành phố vẫn còn le lói những chùm phượng cuối mùa sót lại. Mùa thu hai bên bờ sông Sài Gòn với những cây cầu thép đang nối dần những bến bờ lại gần nhau hơn. Những tuyến đường sắt đô thị, những đại lộ, khu công nghiệp, trung tâm thương mại đang giúp Sài Gòn chuyển mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Vị thu Sài Gòn đậu lại trong mùi hương của ly cà phê buổi sáng trên một vỉa hè rợp bóng cây nào đó, trên những tà áo trắng phấp phới vội vã đuổi theo tiếng trống của những ngôi trường cổ kính có hàng trăm năm tuổi và trên những dòng xe cộ nối dài tưởng chừng như không bao giờ dứt...

Nhớ những mùa thu xưa - Ảnh 6.

Mùa thu tại vùng chiến khu An Phú Đông

Ngày Độc lập 2/9/1945 ở Sài Gòn không chỉ là sự gắn kết của một dân tộc bị phân tán trở thành một khối thống nhất chính trị mà quan trọng hơn là trong ngày này, đồng bào Nam Bộ đã đưa ra được lời thề son sắt: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Hơn 70 năm qua, lời tuyên bố của chủ tịch Hồ Chí Minh như vẫn còn vang vọng sang sảng, đầy kiêu hãnh và tự hào từ quảng trường Ba Đình lịch sử. Tinh thần bất diệt của Cách mạng tháng Tám, chủ nghĩa yêu nước nồng nàn và tư tưởng không có gì quý hơn độc lập tự do của Người không ngừng được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta truyền lửa từ thế hệ cha anh cho thế hệ con cháu mai sau.