Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Những đứa trẻ mồ côi

(Dân sinh) - Dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người, trong đó có những gia đình mất cả hai vợ chồng, để lại những đứa con mồ côi. Hiện tại, những đứa trẻ ấy đang sống giữa vòng tay đùm bọc của bà con xóm giềng. Còn về lâu dài, ngay cả khi dịch đã tan, tương lai của các em sẽ ra sao?...

"Chú ơi, ba con mất rồi!" - cuộc điện thoại ngắn ngủi từ cô bé 16 tuổi, con người bạn thân của tôi, khiến tôi sững sờ, không tin vào tai mình. Đó là ngày 8/8.

Bố cháu là bạn của tôi từ thời đi học, năm nay anh 63 tuổi. Anh từ ngoài quê miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp từ sớm, có một gia đình hạnh phúc, với người vợ hiền và 3 đứa con gái. Mới hôm trước giãn cách, anh còn ngồi cả buổi với tôi bên ly cà phê, nói về những dự định trong tương lai. Vậy mà...

Gia đình anh sống ở phường 15, quận Bình Thạnh. Những ngày dịch bệnh bùng phát, anh cho biết ở gần nhà có một vài ca F0, nhưng mọi người trong nhà anh đều rất cẩn thận giữ gìn, tuyệt đối không ra ngoài tiếp xúc với ai. "Có lẽ chỉ một lần duy nhất, khi nhận đồ ăn mà không sát khuẩn kỹ nên mới bị nhiễm. Ban đầu là em út, sau đó lây hết cho cả nhà. Chị con đi làm nên đã được chích vaccine, bệnh nhẹ thôi, còn ba mẹ và hai tụi con bị nặng hơn, phải nhập viện điều trị. Vô viện được mấy ngày, khi ban đêm ba con đi vệ sinh bị tai biến, té xuống nặng lắm. Bác sĩ đưa đi cấp cứu nhưng không kịp...", cô bé kể với giọng thảng thốt.

Những đứa trẻ mồ côi - Ảnh 1.

Những đứa trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 cần sự trợ giúp từ chính quyền và cộng đồng

Từ giờ gánh nặng gia đình sẽ dồn vào đôi vai của vợ anh cùng cô con gái lớn. Tôi biết chị vốn xốc vác, giỏi giang, nên việc nuôi dạy hai con nhỏ không phải là điều gì quá khó khăn. Vậy, anh cũng có thể tạm yên tâm...

Nhưng, ngày 4/9 vừa qua, tôi lại nhận được điện thoại từ con gái anh. Thấy số điện thoại mà anh vẫn sử dụng trước đây, tôi đã nghĩ tới chuyện chẳng lành… "Chú ơi, mẹ con mất rồi!". Lần này là cuộc điện thoại của cô con gái lớn, cô không khóc nổi nữa! Cả ba và mẹ lần lượt qua đời trong vòng chưa đầy một tháng. Những nỗi đau liên tục giáng xuống gia đình mà mới trước đó còn ấm êm, hạnh phúc...

Bây giờ, gánh nặng gia đình sẽ dồn hết lên vai cô gái mới 24 tuổi, vừa mới ra trường đi làm được ít lâu. Căn nhà thiếu vắng người lớn sẽ ra sao những ngày tới?

Cũng gặp hoàn cảnh tương tự, thậm chí còn bi đát hơn, như trường hợp Phạm Yến Nhi, 22 tuổi, ngụ tại quận 12. Chỉ trong vòng môt tuần, cả ba và mẹ Nhi đều ra đi, để lại 4 đưa con, ngoài Nhi còn có 3 đứa em 16, 11 và 10 tuổi, trong đó chỉ còn hai em út vẫn đi học. Nhi và em kế nghỉ học sớm, đi làm bán quần áo, phụ quán cà phê. Cha mẹ mất, 4 chị em mồ côi nương tựa vào nhau trong căn nhà trọ chật chội...

Theo ngành Giáo dục TP.HCM, tính đến giữa tháng 9, ở thành phố có 1.517 học sinh mồ côi do dịch Covid-19, nhiều nhất ở quận 8, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Hóc Môn.

Để giúp đỡ trẻ em có cha mẹ qua đời vì Covid-19, TP HCM đã quyết định xét trợ cấp xã hội hằng tháng đối với các đối tượng này. Mức trợ cấp có hệ số 2,5 đối với trường hợp dưới 4 tuổi, hệ số 1,5 đối với trường hợp từ đủ 4 tuổi trở lên, được cấp thẻ BHYT miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường. Thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Trẻ đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

Mới đây, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, ông Trương Gia Bình, đã công bố thành lập trường và cam kết chu cấp toàn bộ việc nuôi dưỡng, đào tạo 1.000 em nhỏ mất cha, mẹ vì Covid-19 liên tục trong 20 năm tới.

Mong rằng trong thời gian tới, những vòng tay nhân ái sẽ tiếp tục hỗ trợ để những trẻ mồ côi giảm bớt những thiệt thòi, có điều kiện sống và trưởng thành, để những người ra đi có thể an lòng...