Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những ưu việt của Chương trình 9+

(Dân sinh) - Chỉ với 3 năm, vừa học văn hóa THPT hệ giáo dục thường xuyên và song song đào tạo kỹ năng nghề, học sinh hệ 9+ có thể tốt nghiệp với cả bằng THPT và bằng nghề trong tay. Học sinh học chương trình 9+, tốt nghiệp ra trường, tỷ lệ có việc làm chiếm khoảng 70 - 80%.

Những ưu việt của Chương trình 9+ - Ảnh 1.

Thực hành nghề tin học văn phòng theo chương trình đào tạo 9+ tại Trường CĐ Cơ khí nông nghiệp

Đánh giá về Chương trình đào tạo 9+, TS Phạm Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp cho rằng, Chương trình 9+ thể hiện rõ chính sách phân luồng đào tạo nghề sau THCS của Nhà nước. Định hình rõ cho người học đích đến và có thể đạt được theo con đường học nghề (kỹ sư thực hành) ngay khi tốt nghiệp THCS tránh được việc có một lượng lớn học sinh tốt nghiệp THPT không học tiếp mà tham gia ngay vào lao động phổ thông khi chưa được đào tạo nghề dẫn đến phí phạm nguồn lao động tương đối lớn có trình độ văn hóa mà không có được kỹ năng nghề nghiệp.

Chương trình 9+ đáp ứng một lượng lớn người học có nhu cầu học nghề để tham gia sản xuất, chứ không có nhu cầu theo hướng học hàn lâm (thời gian 3 năm riêng biệt chỉ học văn hóa THPT). Mô hình này mang tính mở cao trong hệ thống giáo dục. Người học có thể học tiếp để lấy bằng cấp cao hơn nếu có nhu cầu. 

Một lượng lớn lao động được tiếp cận thị trường lao động sớm (19 - 20 tuổi). Điều đó đồng nghĩa các em sớm có thu nhập và ổn định cuộc sống so với tốt nghiệp THPT rồi mới đi học cao đẳng, đại học ( 22 - 23 tuổi) mới tiếp cận thị trường lao động, tăng nguồn nhân lực được đào tạo sớm cho thị trường lao động, giảm bớt lao động phổ thông (không được đào tạo), tăng cơ hội phát triển của NLĐ. Giảm chi phí đào tạo so với kết quả đầu ra của người học không theo mô hình 9+ vì giảm được thời gian đào tạo.

Thầy Nguyễn Xuân Thủy, Phó Hiệu trường nhà trường cho biết: Hiện trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp đang đào tạo khoảng hơn 1.600 học sinh hệ 9+, vừa học song song kiến thức THPT vừa học 21 ngành, nghề. Trong đó, một số nghề được nhiều học sinh theo học nhằm đón đầu nhu cầu của thị trường lao động như: Công nghệ thông tin, điện tử - điện lạnh, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, cơ khí, cắt gọt kim loại… 

Trên thực tế, chương trình đào tạo 9+ tại trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp đã có nền tảng từ nhiều năm trước, từ mô hình đào tạo trung học nghề (1991 - 1998), công nhân lành nghề bậc 3/7 (trước 2007), trung cấp nghề (2007 - 2016), trung cấp (2017 đến nay), song song với đào tạo THPT hệ giáo dục thường xuyên. Kết thúc khóa học, học sinh tham gia các kỳ thi tốt nghiệp và đạt kết quả sẽ được cấp bằng nghề và bằng văn hóa THPT theo quy định của hệ thống GDNN và Bộ GD&ĐT. Phương thức đào tạo này như cách gọi hiện nay là "Chương trình 9+".

"Học sinh Chương trình 9+, tốt nghiệp ra trường, tỷ lệ học sinh đi làm chiếm khoảng 70 - 80%, còn lại 20 - 30% các em có nguyện vọng học liên thông lên cao đẳng với thời gian học khoảng 15 tháng là có bằng cao đẳng. Chương trình đào tạo 9+ mang lại nhiều lợi ích cho người học, bởi tính ưu việt của chương trình là học phí thấp cùng với nhiều chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh, nên vấn đề học phí không còn là gánh nặng với gia đình học sinh. 18 tuổi tốt nghiệp ra trường các em có thể tham gia ngay vào thị trường lao động, ưu việt hơn so với lựa chọn tham gia học xong THPT rồi mới học nghề", thầy Thủy cho biết.

Học sinh Nguyễn Thị Kim Ngân khóa 59 lớp Tin học văn phòng I chia sẻ, sau khi học hết lớp 9 quyết định đi học nghề tin học văn phòng, lưa chọn nghề này em thấy phù hợp với khả năng bản thân, và em thấy thị trường lao động đang rất cần nghề này. Qua thời gian học tập, em nhận thấy chương trình học văn hóa không khác gì so với chương trình học phổ thông, thậm chí còn thấy thoải mái hơn rất nhiều, vì không bị áp lực nhiều bài vở như các bạn cùng trang lứa theo học THPT. Về học nghề, các thầy cô dạy rất dễ hiểu, kiến thức và kỹ thuật không quá khó, chương trình học cũng vừa sức.

Tuy nhiên, hiện Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành nội dung chương trình giảng dạy văn hóa cho trình độ trung cấp đầu vào THCS và cơ chế phối hợp giám sát theo quy định nên các cơ sở dạy nghề chưa có cơ sở để triển khai thực hiện chương trình văn hóa theo quy định và không thể xác nhận "hoàn thành khối lượng kiến thức văn hoá THPT" cho người học theo quy định của Luật Giáo dục. Do đó, TS Phạm Thị Lan Phương đề nghị, các bộ liên quan sớm ban hành chương trình và quy định thực hiện chương trình để các trường có căn cứ thực hiện cho các khóa đào tạo.