Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ninh Thuận: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động

Nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế trọng điểm để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, tận dụng và phát huy được những lợi thế của địa phương, tỉnh Ninh Thuận tập trung đẩy mạnh các giải pháp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh cho người lao động.

  1. Với quan điểm đẩy mạnh phát triển nhanh NNL cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế trọng điểm, từng bước hướng đến đạt tiêu chuẩn trình độ ASEAN; nâng cao chất lượng NNLtrên cả ba yếu tố cơ bản là sức khỏe, kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế, tỉnh Ninh Thuận xác định công tác GDNN đóng vai trò hết sức quan trọng góp phần tạo động lực phát triển KT-XH trên địa bàn. Hiện toàn tỉnh có 21 cơ sở GDNN với hơn 400 giáo viên tham gia giảng dạy; bình quân, hàng năm đào tạo nghề cho trên 9.000 lao động.
Sinh viên trường nghề được thực hành trên máy móc hiện đại.

Sinh viên trường nghề được thực hành trên máy móc hiện đại.

Qua thống kê, giai đoạn 2011-2020, Ninh Thuận đã tổ chức tuyển mới và dạy nghề cho 89.362 người (trình độ Cao đẳng, Trung cấp 10.060 người; trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 79.302 người), trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 29.320 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 60,2% (191.562 người) năm 2020. Qua đó, tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 163.389 lao động. Hàng năm, khoảng 85,7% lao động có việc làm sau khi tốt nghiệp với mức thu nhập từ 4 triệu đồng/tháng trở lên. Số còn lại tự tạo việc làm hoặc đăng ký học liên thông lên trình độ cao hơn.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác GDNN của Ninh Thuận vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù chuyển dịch cơ cấu lao động tuy đúng hướng nhưng còn chậm, lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp còn cao; quy mô đào tạo, chất lượng NNL chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, tỷ trọng lao động có trình độ cao trong số lao động đang làm việc trong nền kinh tế còn thấp; các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư nên hoạt động dạy nghề gắn với giải quyết việc làm còn gặp khó khăn. Do đó, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung nâng cao chất lượng GDNN, phát triển nhân lực có tay nghề thích ứng với điều kiện sản xuất mới hiện nay, phát triển NNL của tỉnh có quy mô, cơ cấu, chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH nhanh và bền vững.

Tỉnh mục tiêu đến năm 2025 đưa quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng 1,9 lần so với năm 2020, xây dựng Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” với tổng kinh phí thực hiện khoảng 3.120 tỷ đồng.

Theo đó, Ninh Thuận tập trung phát triển NNL chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm: Năng lượng sạch, du lịch đẳng cấp cao, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và kinh tế đô thị. Tỉnh tập trung phát triển chuyển đổi số và sàn giao dịch điện tử đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH nhanh và bền vững. Một trong những mục tiêu trọng điểm đến năm 2025, địa phương phấn đấu có ít nhất 63% lao động làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm; trong đó, lĩnh vực năng lượng chiếm 5,5%, lĩnh vực du lịch đẳng cấp cao chiếm 5,5%, lĩnh vực nông nghiệp đặc thù chiếm 20,5%, lĩnh vực kinh tế đô thị chiếm 68,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%.

Đến năm 2030, Ninh Thuận phấn đấu ít nhất 68% lao động trong nền kinh tế làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm; trong đó, lĩnh vực năng lượng chiếm 7,3%, lĩnh vực du lịch đẳng cấp cao chiếm 13,8%, lĩnh vực nông nghiệp đặc thù chiếm 20,2%, lĩnh vực kinh tế đô thị chiếm 58,7%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 40%.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ và 7 nhóm giải pháp; trong đó, trọng tâm là tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao mặt bằng dân trí, trình độ học vấn, thể lực, tầm vóc nguồn nhân lực. Đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đánh giá và phát triển NNL; xây dựng cơ chế chính sách thu hút NNL, nhất là nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động thông qua cơ chế đặt hàng, hỗ trợ đào tạo và định hướng phát triển NNL. Tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển NNL; nâng cao trách nhiệm cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị trong đào tạo, phát triển NNL; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo.

Ninh Thuận tập trung xây dựng Trường cao đẳng nghề Ninh Thuận trở thành trường nghề chất lượng cao vào năm 2025; nâng cấp Trường Trung cấp Y tế lên Cao đẳng Y tế; phát triển các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đào tạo nghề cho xã hội; đẩy mạnh hợp tác ba bên Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp; chuẩn bị tốt các điều kiện để thành lập trường Đại học đa ngành tại Ninh Thuận sau năm 2030.