Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nới tuổi hưu: Mỗi năm chỉ tăng 8.000-9.000 lao động

(Dân sinh) - Trao đổi với PV Lao Động chiều 24.11, ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) - cho hay, nguyên tắc hướng dẫn Nghị định 135/2020/NĐ-CP phải theo đúng Bộ luật Lao động.

Theo Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu trong 1 năm chỉ duy nhất 1 tuổi nghỉ hưu. Ví dụ, nam giới tuổi nghỉ hưu năm 2021 là 60 tuổi 3 tháng, tuổi nghỉ hưu năm 2022 là 60 tuổi 6 tháng. Nghị định hướng dẫn cũng phải tuân theo nguyên tắc và quy luật này. Do đó, những người sinh tháng 10.1961 sẽ nghỉ hưu tính từ ngày 30.10.2021 và hưởng lương hưu từ ngày 1.11.2021. Vì tăng tuổi hưu cộng thêm 3 tháng, như vậy sẽ cộng thêm tháng 12.2021, tháng 1.2022 và tháng 2.2022, tức là lấn sang năm 2022 mới nghỉ hưu. Như vậy, tuổi hưu sẽ không còn là 60 tuổi 3 tháng nữa mà thành 60 tuổi 6 tháng.

“Có 2 vấn đề là căn cứ vào năm sinh hay căn cứ năm nghỉ hưu để tính. Bộ luật Lao động căn cứ năm nghỉ hưu, những ai nghỉ hưu năm 2021 là 60 tuổi 3 tháng, những ai nghỉ hưu năm 2022 là 60 tuổi 6 tháng. Nếu chỉ nhìn vào năm sinh sẽ bị loạn. Bộ luật Lao động cũng chỉ quan tâm đến năm nghỉ hưu” - ông Giang nhấn mạnh.

Ông Giang cũng đánh giá, Nghị định 135 ra đời với những quy định chi tiết, cụ thể về tuổi hưu sẽ giúp chúng ta ứng phó với già hóa dân số. Đến năm 2030, Việt Nam có 20% dân số là người cao tuổi. Lúc đó lấy đâu ra lao động làm việc. Các quy định này sẽ tạo điều kiện cho người lao động được cống hiến thêm, gia tăng lực lượng lao động cho thị trường lao động và giúp gia tăng chất lượng cuộc sống của những người nghỉ hưu.

“Với lộ trình này, không hề có sự tác động lớn đến thị trường lao động bởi mỗi năm chỉ tăng thêm 8.000-9.000 người. Điều này còn rất ý nghĩa trong bối cảnh doanh nghiệp khó tuyển dụng” - ông Giang cho hay.