Quay lại Dân trí
Dân Sinh

“Ôn cố tri tân” chứ đừng… “ăn mày dĩ vãng”!

(Dân sinh) - Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh vừa đưa ra một thông điệp đáng chú ý: "Hãy bớt kiếm tiền trên YouTube bằng cách biến khán giả thành ăn mày dĩ vãng!". Đó là một thông điệp gây nhiều "đụng chạm" – với một số nhạc sĩ, nghệ sĩ trẻ cùng một số nhà sản xuất. Nhưng đúng!

Từ khá nhiều năm nay, có cảm giác thị trường âm nhạc Việt Nam đang "trôi chảy khá… êm đềm", với thỉnh thoảng có một vài "bản hit" được "tung hô" triệu view, tỷ view, nhưng cũng chỉ "sống" được trong một thời gian ngắn. Hầu như không có những tác phẩm thực sự đi vào lòng người, có sức sống lâu bền như những năm trước. Xét về nội dung, ngoài một số bản mà người nghe dẫu có cố gắng "lắng tai" cũng không biết được ca sĩ đang hát cái gì, nói về điều gì trong một mớ âm thanh hỗn độn cùng những vũ điệu vô nghĩa, thì phần lớn các tác phẩm vẫn đều "nhai lại" những chủ đề "cũ rích" về nỗi buồn tình ái, về những thành bại của cuộc đời. Có chăng, sự mới lạ đến từ tiết tấu và một số ngôn từ mang tính "thời thượng", nhưng có vẻ những thứ này không đủ mang lại sự mới mẻ cho tác phẩm.

“Ôn cố tri tân” chứ đừng… “ăn mày dĩ vãng”! - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh vừa đưa ra một thông điệp đáng chú ý: "Hãy bớt kiếm tiền trên YouTube bằng cách biến khán giả thành ăn mày dĩ vãng!".

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho rằng đồng nghiệp "cứ mãi hát về đau khổ" và "cứ như nếu không có nó, chúng ta không sống nổi vậy". Anh cho rằng ai cũng khao khát hạnh phúc, sao lại "đem đau khổ rót vào tâm hồn người nghe là để kiếm tiền. Một nền âm nhạc cứ mãi dựa vào cái cũ để chiều chuộng tai nghe của khán giả và để kiếm tiền thì không khác nào sự tàn phá thiên nhiên về mặt tâm hồn!".

Đã có một thời, âm nhạc Việt Nam sản sinh ra nhiều nhạc sĩ, ca sĩ tài năng. Họ sống hết mình trong dòng chảy của cuộc sống, của thế cuộc, để đưa vào tác phẩm của mình, vào lối thể hiện trong lời ca của mình, tất cả những cung bậc cảm xúc từ thực tế. Ở đó có những khúc hoan ca rộn rã của hạnh phúc, có những nỗi khổ niềm đau trong tình yêu và trong cõi nhân gian… Cảm xúc thật, bám chắc vào cội rễ cuộc sống khiến cho những tác phẩm ấy trở nên bất tử.

Hiện giờ, có một số người "đổ lỗi" cho yếu tố thị trường, rằng người làm nhạc phải biết cách dùng khả năng của mình để kiếm tiền. Thực tế ngày xưa vẫn có không ít nhạc sĩ, ca sĩ chỉ sống bằng nghề viết nhạc, nghề đi hát. Tiền tác quyền ngày xưa không nhiều như bây giờ, nhưng họ vẫn sống tốt, vẫn làm rất tốt công việc của mình. Có nghĩa, không phải vì đồng tiền chi phối khiến cho cảm xúc nghệ thuật bị "méo mó", "biến dạng". Mà chủ yếu là do chính sự dễ dãi của người làm nghệ thuật đã khiến cho các tác phẩm của họ mang những giá trị "ảo" – những giá trị không đến từ chất lượng nghệ thuật đích thực.

"Tôi tha thiết kêu gọi các đồng nghiệp hãy bừng tỉnh, hãy mạnh dạn khước từ vinh quang trong cái lồng an toàn chật hẹp, hãy cùng nhau tạo ra nhiều cái mới, giúp cho dòng sông âm nhạc tuôn chảy trở lại. Những chồi non phải mọc ra, chứ không chỉ toàn lá vàng khô với cánh rừng đã chết" – đó là những lời tâm huyết của nhạc sĩ nhắn gửi.

Đành rằng, để đánh giá một nền âm nhạc đang phát triển hay đang "dậm chân tại chỗ", thậm chí là "thụt lùi" cần xem xét trên nhiều yếu tố, mà thời buổi này ngoài những giá trị mang tính "truyền thống" còn phải xét tới những tác động từ công nghệ và phản ứng của thị trường. Nhưng sau tất cả, chúng ta phải nhìn nhận một cách trung thực nhất về giá trị thực của các tác phẩm nghệ thuật – cả về giá trị giải trí lẫn giá trị tư tưởng. Có vậy thì mới thoát ra được những giá trị "ảo" đã và đang kìm hãm sự phát triển của nền âm nhạc hiện thời.