Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phát huy vai trò giám sát của người dân trong giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng

Năm 2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ người có công (NCC) tồn đọng. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (ngày 27/7/1947 - 27/7/2022), Báo điện tử Dân sinh đã có cuộc trò chuyện với Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Lợi về kết quả sau 5 năm thực hiện Quyết đinh số 408.

Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Lợi

Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Lợi

*Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong công tác giải quyết hồ sơ NCC còn tồn đọng theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH?

- Xác nhận NCC được quy định trong văn bản quy phạm Nhà nước với điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp từng giai đoạn lịch sử của đất nước, gắn với tiến trình cải cách Nhà nước, đến nay số NCC được xác nhận và giải quyết chế độ là trên 9,2 triệu người.

Qua các thời kỳ kháng chiến, do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều trường hợp cơ quan quản lý người bị thương, bị chết không còn lưu giữ được hồ sơ, bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến cũng không giữ được giấy tờ gốc. Mặt khác, không còn bất kỳ loại giấy tờ nào ghi nhận sự việc bị chết, bị thương trong kháng chiến... Vì vậy, các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc xác nhận người bị chết là liệt sĩ, người bị thương là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Để giải quyết những trường hợp còn tồn đọng sau chiến tranh, liên Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ.

Tuy nhiên, sau kết quả tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước vẫn còn một số lượng lớn hồ sơ đề nghị xác nhận NCC tồn đọng (liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh).

Thực hiện Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ, chỉ đạo tập trung giải quyết các hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng tại các địa phương và cơ quan quân đội, công an theo trình tự, thủ tục, hồ sơ cụ thể do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành, bảo đảm công khai, minh bạch, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi.

Ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng. Với quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, đồng chí, đồng đội cùng hoạt động, nhất là ý kiến của các bậc lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ, đến nay, đã xem xét giải quyết hơn 7.000 hồ sơ, trong đó trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.000 liệt sĩ, các địa phương, đơn vị công nhận trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, những hồ sơ không đủ điều kiện kết luận và giải thích cho thân nhân và đối tương thấu tình, đạt lý, đến nay không có đơn thư khiếu nại.

*Để có được những kết quả nêu trên là do chúng ta thực hiện quy trình xét duyệt một cách công khai, minh bạch, phát huy vai trò giám sát của người dân?

-Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH được quy định rất chặt chẽ từ cơ sở đến Trung ương, theo nguyên tắc: Đảm bảo các yêu cầu của pháp luật về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện; về thủ tục cần xem xét, vận dụng cụ thể cho từng trường hợp, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, đồng thời tích cực tìm kiếm, khai thác mọi nguồn thông tin, mọi căn cứ có cơ sở để xem xét; đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cá nhân, tổ chức liên quan, đặc biệt là cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, đồng chí, đồng đội cùng hoạt động, ý kiến của cộng đồng nhân dân. Đồng thời phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong minh bạch kết quả giải quyết hồ sơ, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đặc biệt tại các bước xét duyệt hồ sơ ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia giám sát.

Từng trang hồ sơ đã được các bộ ngành LĐ-TB&XH xem xét kỹ lưỡng.

Từng trang hồ sơ đã được các bộ ngành LĐ-TB&XH xem xét kỹ lưỡng.

*Thời gian tới, công tác xác nhận NCC với cách mạng diện tồn đọng sẽ tiếp tục được mở rộng như thế nào, thưa ông?

- Hồ sơ diện tồn đọng theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đến nay đã giải quyết căn bản, còn một số hồ sơ cần bổ sung, hoàn thiện để tiếp tục xem xét giải quyết. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số người bị thương, bị chết trong chiến tranh chưa được xem xét công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi, những điện đối tượng này đã được quy định tại Mục 12 Chương II của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng năm 2020 “Công nhận liệt sĩ, thương binh đối với người hy sinh, bị thương trong chiến tranh”.

*Với phương châm: “Không để bất cứ NCC nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân, nhưng cũng không để ai lợi dụng, trục lợi chính sách”, công tác thanh, kiểm tra đã được thực hiện như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

- Để thực hiện chính sách, pháp luật đối với NCC với cách mạng đồng bộ, kịp thời, đúng đối tượng, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi NCC với cách mạng; đổi mới cơ chế tài chính trong việc cấp, phát, thu hồi, xử lý nguồn tài chính bị thất thoát do vi phạm trong lĩnh vực NCC với cách mạng. Qua thanh, kiểm tra đã phát hiện một số lượng hồ sơ có sai sót, một số hồ sơ có nghi vấn sai sót phải tiến hành xác minh bổ sung hoặc trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự giấy tờ gốc. Kiến nghị đình chỉ chế độ và thu hồi chế độ hưởng sai nộp ngân sách nhà nước, chuyển một số vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra.

*Để bảo đảm mức sống của NCC với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, theo ông bên cạnh các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước các địa phương cần có những giải pháp như thế nào để huy động tốt hơn các nguồn lực chăm lo đời sống NCC?

- Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng quy định “Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của NCC với cách mạng và thân nhân NCC với cách mạng là trách nhiệm của Nhà nước và xã hội. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân quan tâm, giúp đỡ và thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi NCC với cách mạng”.

Để đạt được mục tiêu NCC với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cú nơi cư trú, trước tiên cần điều chỉnh chế độ trợ cấp, phụ cấp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ; các địa phương cần thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đồng thời tổ chức hiệu quả các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, NCC” với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: Tặng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người và gia đình NCC với cách mạng.

Xin cảm ơn ông!

Đến nay, đã xem xét giải quyết hơn 7.000 hồ sơ, trong đó trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.000 liệt sĩ, các địa phương, đơn vị công nhận trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, những hồ sơ không đủ điều kiện kết luận và giải thích cho thân nhân và đối tương thấu tình, đạt lý, đến nay không có đơn thư kiếu nại.