Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Nam đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu, lưu thông hàng hoá thông suốt, không để xảy ra hiện tượng đầu cơ trục lợi, găm hàng, chờ tăng giá hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý.

Tỉnh đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch.

Tỉnh đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch.

Để đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; cung ứng đầy đủ, liên tục các mặt hàng xăng dầu, trang thiết bị vật tư y tế, thuốc phòng, chữa bệnh COVID-19, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan, thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường theo lĩnh vực phân công, địa bàn phụ trách; đảm bảo cân đối cung cầu, lưu thông hàng hoá thông suốt, không để xảy ra hiện tượng đầu cơ trục lợi, găm hàng, chờ tăng giá hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý.

Bên cạnh đó, kịp thời nắm bắt thông tin khi xuất hiện tình trạng khan hiếm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp bảo đảm ổn định thị trường; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm.

Đối với công tác quản lý thị trường trang thiết bị vật tư y tế và thuốc tân dược phục vụ công tác phòng, chống và điều trị COVID-19, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài chính và các cơ quan chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về việc đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch. Chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế (bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hoà ôxy trong máu SpO2...), dược phẩm, thuốc chữa bệnh COVID-19 trên địa bàn chủ động có kế hoạch tăng cường sản xuất, kinh doanh, cung ứng đủ các sản phẩm, hàng hóa theo nhu cầu sử dụng của người dân, thực hiện bình ổn giá; không bán hàng cho các đơn vị, cá nhân có dấu hiệu thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu tăng cao, gây khan hiếm thị trường.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình thị trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh và diễn biến cung - cầu, giá bán các mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, hỗ trợ điều trị COVID-19, nhất là nhóm các mặt hàng khẩu trang, kit test nhanh COVID-19, thiết bị đo nồng độ ôxy, các thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19... tại các cơ sở kinh doanh thuốc và vật tư y tế; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi đầu cơ trục lợi, găm hàng, loạn giá, tăng giá bán bất hợp lý và bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được phép lưu hành.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, yêu cầu các doanh nghiệp, nhà phân phối, nhà thuốc, quầy thuốc thực hiện cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nhất là các nội dung về kê khai, niêm yết giá hàng hóa và bán đúng giá niêm yết; không lợi dụng dịch bệnh, tình hình khan hiếm hàng hóa để định giá, tăng giá bán bất hợp lý; không găm hàng, đầu cơ tích trữ, tăng giá bán nhằm thu lợi bất hợp pháp; không kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng hóa chưa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.

Đối với công tác quản lý thị trường xăng dầu, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Tài chính, Cục Hải quan tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo tại Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu, than trên các tuyến biên giới, vùng biển. Đặc biệt, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong hoạt động theo dõi, nắm chắc diễn biến, tình hình hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh (địa điểm lưu kho, bồn chứa xăng dầu, giai đoạn phân phối lưu thông, các địa điểm tồn trữ các chất dung môi dễ bị lợi dụng pha trộn với xăng dầu...) để triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng bán hàng không đúng quy định và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Cục Quản lý thị trường tỉnh và các đơn vị có liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động có giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu thị trường, nắm bắt diễn biến giá cả, dự báo sát tình hình cung ứng, nhu cầu sử dụng sản phẩm xăng dầu; kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn về nguồn cung, trong đó tập trung vào nhóm các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Qua đó, chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin, giải quyết đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu về việc dừng hoạt động, ngưng bán hàng theo quy định và có văn bản thông báo cho đơn vị, nêu rõ đồng ý hoặc không đồng ý việc dừng hoạt động. Đồng thời, thực hiện công khai danh sách các cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng hoạt động (cả trường hợp dừng hoạt động đúng quy định và không đúng quy định), thời gian dự kiến hoạt động trở lại và các biện pháp xử lý (nếu có)...