Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Nam lên phương án cung ứng, phân phối các mặt hàng thiết yếu theo từng cấp độ

(Dân sinh) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Phương án cung ứng, phân phối các mặt hàng thiết yếu ứng phó với dịch bệnh COVID-19 theo từng cấp độ trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam lên phương án cung ứng, phân phối các mặt hàng thiết yếu theo từng cấp độ trên địa bàn tỉnh - Ảnh 1.

Hội Từ thiện tỉnh Quảng Nam hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân vùng dịch Đà Nẵng.

Việc chuẩn bị sẵn sàng phương án cung ứng, phân phối các mặt hàng thiết yếu theo từng cấp độ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19, cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh theo phương châm 4 tại chỗ "chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hoá tại chỗ". Đồng thời, duy trì hoạt động của các chợ, siêu thị, cơ sở sản xuất kinh doanh và thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp; chủ động công tác dự báo tình hình thị trường, tổ chức sản xuất, dự trữ, cung ứng hàng hóa phù hợp tình hình diễn biến dịch bệnh.

Qua đó, ngăn chặn việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá gây bức xúc trong dư luận xã hội để người dân an tâm, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Phương thức cung ứng hàng hóa thiết yếu của UBND tỉnh Quảng Nam, cụ thể:

Đối với tình huống cung ứng hàng hóa khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg: Thông qua mua bán tại các chợ chỉ bán các mặt hàng thiết yếu đã được sắp xếp, bố trí các quầy hàng phù hợp với quy mô, diện tích, có vách ngăn, kẻ vạch, điều chỉnh giảm số lượng khách trong cùng thời điểm, phát Thẻ đi chợ, bảo đảm thực hiện 5K, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần khi giao dịch; tổ chức xét nghiệm và lựa chọn các hộ kinh doanh, tiểu thương bán hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm (thịt, cá, mắm, muối, gạo, mỳ, rau, củ quả,...).

Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi triển khai phương án phân luồng vào, ra; tăng lượng hàng hóa cung ứng tại các điểm phân phối; có phương án điều tiết hàng hóa giữa các khu vực để đáp ứng nhu cầu của người dân; đẩy mạnh hoạt động mua bán trực tuyến. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa đến các địa điểm cung ứng.

Đối với tình huống cung ứng hàng hóa khi thực hiện giãn cách xã hội cao hơn theo Chỉ thị 16/CT-TTg: Trên cơ sở số lượng các hộ gia đình trên địa bàn từng xã, phường, thị trấn; huyện, thị xã, thành phố sẽ đặt hàng các siêu thị, doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn, chia đơn hàng theo combo hoặc đặt hàng riêng lẻ; đồng thời giao đến UBND các xã, phường, thị trấn; huyện, thị xã, thành phố (khu vực bị cách ly, phong tỏa).

Trường hợp các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi nêu trên không có khả năng cung ứng thì nguồn cung hàng hóa được cung ứng từ các chợ truyền thống được chính quyền địa phương cho phép mở cửa (không bán trực tiếp đến người dân) cung ứng khoảng 40-50%. Việc giao nhận hàng hóa được thực hiện trên cơ sở Tổ hỗ trợ tổng hợp nhu cầu của người dân và đi chợ hộ.

Điều kiện để triển khai thực hiện: Mặt hàng thiết yếu được gói sẵn dưới hình thức combo theo từng đơn giá: từ 200.000-300.000 đồng tùy loại (Chia 3 nhóm: hàng khô; thịt, cá; rau, củ quả) và đặt hàng 2 lần/tuần đối với hàng tươi, 1 lần/tuần đối với hàng khô.

Đơn vị phân phối cung ứng hàng hóa đến người dân phải kịp thời, đúng hạn; phải thành lập Tổ hỗ trợ cung ứng hàng thiết yếu (gồm công an, quân đội, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, tình nguyện viên, tổ dân phố…); các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu của các đơn vị cung ứng được phép hoạt động và được cấp thẻ ưu tiên; lựa chọn duy trì một số chợ truyền thống chỉ bán hàng thiết yếu (chợ trung tâm, chợ có tính chất tổng hợp, lan tỏa). Đồng thời, có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức cung ứng, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu, đảm bảo an sinh xã hội trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

Các đơn vị tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh, gồm: Siêu thị Coopmart Tam Kỳ; Siêu thị Go! Tam Kỳ; Bưu điện tỉnh; Công ty Thực phẩm Năm mục tiêu; doanh nghiệp tư nhân Gạo Lộc Phượng; Chuỗi các cửa hàng tiện lợi; Các nhà phân phối hàng hóa khác; 159 chợ truyền thống (trong đó, 2 chợ hạng I (Tam Kỳ, Hội An); 13 chợ hạng II (trung tâm huyện, khu vực đông dân cư); 144 chợ hạng III (khu vực nông thôn) cung ứng hàng hóa thiết yếu) và các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, cửa hàng phân phối khác.