Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Nam: Mai một làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch

Không còn tiếng nhịp rộn ràng của những khung dệt, người dân làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam không khỏi tiếc nuối, khi làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời xứ Quảng, nay đang dần mai một.

Tìm đến làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch vào một buổi chiều thu nắng nhẹ, hương cói mới vẫn còn thoang thoảng…

Theo những cụ cao niên trong làng, thời hoàng kim, làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch có hơn 80% người dân trong làng làm nghề. Nghề dệt chiếu không chỉ là công việc mưu sinh, mà còn giúp những người con của làng gìn giữ, lưu truyền nghề truyền thống của ông cha để lại.

Thế nhưng, cùng với thời gian, những chiếc chiếu được dệt thủ công không còn "đủ sức" nuôi sống người dân. Nhiều người đã không còn mặn mà với nghề làm chiếu mà chuyển sang những công việc khác cho thu nhập cao hơn. Ký ức về một thời thịnh vượng của làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch trở thành sự tiếc nuối…

Quảng Nam: Mai một làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Minh Dung (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) cùng người mẹ hơn 90 tuổi vẫn ngày ngày giữ nghề dệt chiếu.

Lật dở chiếc chiếu vừa dệt xong như hài lòng với thành quả của hai mẹ con trong cả một buổi sáng, bà Trần Thị Minh Dung (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) kể: "Mẹ tôi năm nay ngoài 90 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn và nhanh nhẹn. Mỗi ngày hai mẹ con chỉ dệt được 1 đôi chiếu. Bán đôi chiếu này được 100 nghìn đồng, thì hết 50 nghìn đồng tiền nguyên liệu. Tiền công còn lại chẳng đáng là bao, nhưng công việc này giúp cụ vui, mình vui, cũng là để vơi đi sự tiếc nuối với nghề ông cha để lại bấy lâu nay".

Nghề chiếu không còn là công việc tạo ra kinh tế cho người dân, nhưng vì nhớ nghề, tiếc nghề, phần vì chỉ biết làm nghề, không ít người con của làng chiếu năm nào vẫn chọn "thủy chung" với nghề dệt chiếu.

Biết dệt chiếu từ thời còn trẻ, năm nay bà Trần Thị A (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) đã hơn 65 tuổi. Bao nhiêu năm tuổi đời cũng là gần ngần ấy năm tuổi nghề, nhưng chưa bao giờ bà nghĩ, sẽ thôi làm chiếu. Trong căn nhà nhỏ ở thôn Trà Đông, bà A cùng người bạn đồng hành, vẫn ngày ngày cần mẫn với nghề.

Quảng Nam: Mai một làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch - Ảnh 2.

Cây cói khi mới gặt...

"Trước đây có sức khỏe mỗi ngày chúng tôi dệt được 2 đôi chiếu, mỗi đôi bán được từ 100-120 nghìn đồng, cũng có đồng rau đồng mắm. Giờ có tuổi rồi, ngồi lâu đau lưng nên chỉ làm được 1 đôi thôi. Tiền công mỗi ngày dù không nhiều, nhưng quan trọng mình vẫn sống được với nghề và tự hào về cái nghề của quê hương" – bà A chia sẻ.

Cũng theo bà A, nghề làm chiếu cần sự tỉ mỉ, chỉ vất vả ở khâu chặt đay, cói, phơi phóng và tước sợi để làm nguyên liệu, còn việc nhộm màu, dệt chiếu thì khá nhẹ nhàng.

"Trước đây, những công việc nặng thường do đàn ông phụ trách. Phụ nữ chỉ đảm nhiệm việc nhuộm màu, dệt chiếu. Tuy nhiên, từ khi nghề mai một, thanh niên, những người có sức khỏe đều bỏ nghề hết, nên chúng tôi đều phải tự làm. Những lúc sức yếu thì mua nguyên liệu về để dệt" – bà A nói.

Quảng Nam: Mai một làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch - Ảnh 3.

... và cói nguyên liệu để dệt chiếu.

Ông Võ Đức Lắm – Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Vinh cho biết: Nghề dệt chiếu Bàn Thạch là nghề truyền thống có từ lâu đời ở địa phương. Trong đó, thôn Đông Bình được xem là cái nôi của nghề chiếu cói Bàn Thạch nổi tiếng xưa nay. Nơi đây được bao bọc bởi bốn bề là nước của những con sông lớn như sông Thu Bồn, Trường Giang, Ly Ly nên rất dễ trồng đay, cói để dệt chiếu.

"Trước đây, khi nghề còn thịnh, hầu hết người dân trong làng đều sống bằng nghề làm chiếu. Sau này, hiệu quả kinh tế thấp, lao động trẻ dần bỏ nghề, chỉ còn lại các cụ già, phụ nữ lớn tuổi làm trong lúc rảnh rỗi, nông nhàn…" – ông Võ Đức Lắm nói.

Theo ông Nguyễn Sáu – Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, với đặc thù là nghề thủ công, nghề làm chiếu thường mất nhiều thời gian để cho ra một sản phẩm. Xuất phát từ lý do đó, gần đây một số hộ dân trên địa bàn xã đã đầu tư máy dệt chiếu để nâng cao năng suất và cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Quảng Nam: Mai một làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch - Ảnh 4.

Những chiếc chiếu được dệt thủ công ở làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch

"Dệt máy trung bình mỗi ngày một người làm được 9 chiếc chiếu với tiền lương khoảng gần 150.000 đồng/ ngày. So với làm chiếu thủ công, năng suất và chất lượng của sản phẩm chiếu máy cao hơn nhiều. Tuy nhiên, so với những ngành nghề lao động phổ thông khác, nghề làm chiếu vẫn cho thu nhập thấp, nên không nhiều lao động mặn mà" – ông Sáu cho biết.

Mặt khác, theo người dân làng nghề chiếu, bên cạnh hiệu quả kinh tế thấp, gần đây khâu làm nguyên liệu dệt chiếu cũng gặp không ít khó khăn khi các diện tích trồng đay, cói đều bị xâm nhập mặn, cây cói không phát triển. Nhiều diện tích không thể thu hoạch nên người dân đành phải mua nguyên liệu từ nơi khác về dệt.

Với vị trí địa lý không cách xa phố cổ Hội An, những năm gần đây, khi các loại hình du lịch sinh thái phát triển, nhiều du khách, nhất là du khách nước ngoài đã tìm đến làng nghề chiếu Bàn Thạch để được tận mắt xem người dân nơi đây làm chiếu, cũng như trải nghiệm công việc này. Những chiếc chiếu được dệt thủ công, mộc mạc, đơn sơ mà chứa đựng tâm huyết của những người con làng nghề đã theo chân du khách đi khắp nơi từ đó.

Quảng Nam: Mai một làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch - Ảnh 5.

Đưa người dân làng nghề vào phục vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là hướng đi đang được huyện Duy Xuyên đưa ra để khôi phục, phát triển lại làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch.

"Có người mua về để sử dụng, người thì mua về làm quà… Số tiền có được từ công việc này tuy không nhiều, nhưng nó là động lực giúp chúng tôi quyết tâm gìn giữ nghề" – bà Trần Thị Minh Dung chia sẻ.

Làm gì để khôi phục làng nghề, không chỉ là nỗi đau đáu của những người con làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch. Ông Lê Trung Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết: Làng nghề truyền thống mai một và lao động trẻ không còn mặn mà với nghề là thực trạng chung của nhiều làng nghề truyền thống hiện nay, do đa phần các nghề truyền thống đều mang lại hiệu quả kinh tế không cao.

Thời gian qua, nhằm khôi phục các làng nghề truyền thống, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chương trình để hỗ trợ cho các làng nghề phát triển, tuy nhiên chưa phát huy được hiệu quả. Tại làng nghề chiếu Bàn Thạch, địa phương đang tính đến hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đưa người dân làng nghề vào phục vụ du lịch, có thể sẽ là giải pháp phù hợp để khôi phục, phát triển lại làng nghề.

Cũng theo ông Cường, hiện một số dự án du lịch ở xã Duy Vinh đã được tỉnh Quảng Nam thống nhất cho đầu tư du lịch sinh thái và và du lịch cộng đồng. Các dự này đều có hướng sẽ đưa các ngành nghề truyền thống vào phát triển du lịch, trong đó có làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch. Và, khi các dự án du lịch này đi vào hoạt động, không chỉ làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch mà những làng nghề truyền thống nói chung trên địa bàn huyện cũng có cơ hội được khôi phục và phát triển trở lại, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Được biết, toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 44 làng nghề và làng nghề truyền thống, trong đó có 28 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Chủ yếu lao động trong các làng nghề là lao động nữ, lao động lớn tuổi, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhiều làng nghề đang dần mai một khi lao động không thể sống với nghề.