Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Nam thiết lập hệ thống giám sát ô nhiễm thực phẩm

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2022 trên địa bàn.

Quảng Nam sẽ thiết lập hệ thống giám sát ô nhiễm thực phẩm.

Quảng Nam sẽ thiết lập hệ thống giám sát ô nhiễm thực phẩm.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam giao ngành Y tế củng cố hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm tại các tuyến; tăng cường hoạt động giám sát ô nhiễm thực phẩm tại các nhà hàng, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học, nhất là các 4 bếp ăn tập thể tại các trường mầm non, tiểu học… tăng cường công tác lấy mẫu thực phẩm để giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm.

Ngành Công Thương chủ động phối hợp với các ngành liên quan thực hiện giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo; quản lý an toàn thực phẩm đối với các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh. 

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kế hoạch giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trên sản phẩm nông lâm thủy sản, đặc biệt tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Rau, củ, quả, thịt, thủy sản, các sản phẩm từ thịt và thủy sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản và các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y, hóa chất dùng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. 

UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường thực hiện giám sát định kỳ, giám sát đột xuất theo chuyên đề đảm bảo thực hiện được các mẫu giám sát; triển khai những biện pháp can thiệp phù hợp và kịp thời; tổ chức cảnh báo, thông báo nguy cơ và quản lý nguy cơ về an toàn thực phẩm đối với các mẫu không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.

Quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân công, phân cấp quản lý tại các tuyến. Tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo phân cấp tại các tuyến.

Bên cạnh đó, thực hiện việc xây dựng và kiểm soát chuỗi thực phẩm an toàn; hỗ trợ xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; tăng cường công tác quản lý hoạt động đối với loại hình kinh doanh thức ăn đường phố, dịch vụ nấu ăn lưu động…

Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể trong năm 2022, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trên 30 người mắc <2 vụ; tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính trong vụ ngộ độc được ghi nhận dưới 7 người/100.000 dân. Tỷ lệ mẫu vượt mức cho phép/tổng số mẫu được kiểm tra an toàn thực phẩm trong các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm nông sản <6%. Tỷ lệ mẫu vượt mức cho phép/tổng số mẫu được kiểm tra an toàn thực phẩm trong các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm thủy sản <4%.