Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ninh: Thực hiện nhiều mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Thời gian qua, các sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức nhiều hoạt động và mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (BLTCSG), hỗ trợ nạn nhân, giải quyết các vụ bạo lực gia đình, BLTCSG nhằm đảm bảo mọi phụ nữ và trẻ em gái được sống trong môi trường bình đẳng và an toàn.

Theo Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh, các địa phương đã triển khai và duy trì hoạt động 22 Mô hình BĐG và phòng ngừa, ứng phó với BLTCSG giai đoạn 2016-2020 và tiếp tục duy trì trong giai đoạn mới; hướng dẫn triển khai 11 mô hình thí điểm giai đoạn 2021- 2023 tại 10 địa phương, Mô hình thí điểm thành phố an toàn, thân thiện, chống quấy rối, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em nơi công cộng tại TP Hạ Long, Mô hình hỗ trợ sinh kế và tự chủ tài chính và Mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống bạo lực giới (Tổng đài 18001769 tiếp nhận thông tin và quản lý hồ sơ tư vấn, trợ giúp). Phát huy Mô hình Ngôi nhà Ánh Dương – Trung tâm hỗ trợ một cửa trợ giúp phụ nữ và trẻ em BLTCSG do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA); phát triển dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về BĐG tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh; duy trì, kết nối với các sở, ngành, địa phương cung cấp dịch vụ thiết yếu có chất lượng cho người bị BLTCSG, trẻ em bị xâm hại, kết nối với hệ thống cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các địa phương (16 Văn phòng Công tác xã hội cấp huyện, cấp xã và trường học) nhằm phát hiện, tư vấn, trợ giúp kịp thời nạn nhân bị BLTCSG.

Ra mắt mô hình phòng chống bạo lực giới tại xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà

Ra mắt mô hình phòng chống bạo lực giới tại xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm công tác xã hội tỉnh trực thuộc Sở LĐ–TB&XH đã tiếp nhận tư vấn 2.134 cuộc qua tổng đài 18001769. Trong đó có 71 cuộc liên quan đến BĐG; tư vấn trực tiếp cho 10 trường hợp, hỗ trợ khẩn cấp 21 trường hợp với tổng số 25 người (bao gồm cả trẻ em đi cùng mẹ); tiếp nhận 08 trường hợp từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 theo thông tin tố giác của công dân; tiếp nhận quản lý và chăm sóc 02 trường hợp là phụ nữ được các cơ quan chức năng TP. Móng Cái bàn giao, phối hợp với cơ quan chức năng để xác định quê quán, thân nhân của đối tượng và bàn giao 01 trường hợp cho gia đình, địa phương; 01 trường hợp bàn giao cho Tổ chức Rồng Xanh đưa đối tượng trở về gia đình. Hỗ trợ cung cấp các dịch vụ về y tế, việc làm và các nhu cầu thiết yếu khác để trợ giúp nạn nhân bị mua bán trở về. Cơ sở Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh hiện đang chăm sóc rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 04 trẻ em bị mua bán trở về (01 cháu là nữ; 03 cháu là nam); các cháu được quan tâm, chăm sóc để phát triển toàn diện, được tạo điều kiện tham gia các hoạt động trong Cơ sở cũng như ở nhà trường nơi các cháu đang theo học…

Đặc biệt, các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh đã có nhiều giải pháp tăng cường và tích cực phối hợp trong công tác can thiệp, hỗ trợ, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; phát huy hiệu quả các mô hình BĐG, ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của BLTCSG thông qua các địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh, mô hình dịch vụ gia đình, nhóm tư vấn cộng đồng…; Qua đó, đã phát hiện và báo cáo lực lượng chức năng điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực giới và xâm hại trẻ em.

Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh cho biết, trong 6 tháng cuối năm, để đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ứng phó với BLTCSG, Quảng Ninh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm về BĐG và phòng ngừa, ứng phó với BLTCSG bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng trên hệ thống thông tin đại chúng; triển khai Tháng hành động BĐG và phòng ngừa, ứng phó với BLTCSG (15/11-15/12). Đồng thời, tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ ở các cấp về cơ chế phối hợp liên ngành, kỹ năng truyền thông, tư vấn, cung cấp dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân bị bạo lực, kỹ năng làm việc với người gây bạo lực, kỹ năng khởi nghiệp, nâng cao năng lực cho phụ nữ mất việc làm tham gia phát triển kinh tế, phương pháp nhận diện hành vi bạo lực giới, tiếp cận dựa trên quyền của phụ nữ và trẻ em gái....; trao đổi, học tập kinh nghiệm để triển khai thực hiện hiệu quả công tác BĐG và vì sự tiến bộ phụ nữ.

Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu cho tỉnh và tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ phụ nữ, doanh nghiệp nữ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hỗ trợ phụ nữ bị BLTCSG, trẻ em bị xâm hại; hỗ trợ phụ nữ khởi sự phát triển kinh doanh và tham gia phát triển kinh tế. Giám sát, đánh giá thực hiện công tác BĐG và các hoạt động mô hình BĐG, phòng ngừa, ứng phó với BLTCSG năm 2022 tại các địa phương, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp hiệu quả cho năm 2023.