Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quốc hội thảo luận về chính sách tài khóa, tiền tệ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội

Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường, ngày 7/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều đánh giá cao Chính phủ đã chủ động, khẩn trương và cầu thị trong quá trình xây dựng chính sách tài khóa, tiền tệ và thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đối với người dân và doanh nghiệp.

quoc hoi_0

Đại biểu kiến nghị tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, hỗ trợ tiền xây nhà ở cho công nhân

Quan tâm chính sách liên quan đến người lao động và thị trường lao động, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, chưa khi nào chúng ta chứng kiến nhiều khó khăn đến thế với người lao động và thị trường lao động, cuộc suy thoái kinh tế lần này mặc dù không phải là một cuộc suy thoái kinh điển mà là do dịch bệnh gây ra nhưng đã để lại những hậu quả rất nặng nề với cả nền kinh tế, trong đó có vấn đề lao động và việc làm.

Chỉ tính riêng quý 3/2021, cả nước đã có hơn 28 triệu người lao động phải hứng chịu tác động tiêu cực của đại dịch, trong đó hơn 4,7 triệu người bị mất việc làm, hơn 14 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, hơn 10 triệu người phải giãn, giảm giờ làm việc. Đồng lương của người lao động vốn đã không dư dả gì thì nay vì dịch bệnh càng trở nên khó khăn hơn.

Theo đại biểu, thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung và cầu lao động đều bị thu hẹp.

Bên cạnh đó, dịch bệnh đã dẫn đến xuất hiện những nhóm tác động dễ bị tổn thương. Lao động làm công việc giản đơn trở nên yếu thế trong đại dịch, tỷ lệ mất việc của nhóm này cao gần gấp đôi so với các nhóm khác, lao động có trình độ thấp, lao động là người lớn tuổi, lao động tự do rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm, kể cả những công việc có tính chất tạm thời.

Đáng chú ý, tính bền vững của quan hệ lao động đang có nguy cơ bị xâm phạm, do mất việc, nhiều lao động ở khu vực chính thức có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức, dẫn tới số lao động tự do tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, chiếm tới 57% tổng số lao động có việc làm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một lượng lớn lao động đang có việc làm nhưng không ổn định, thiếu tính bền vững, trong khi đó, những chính sách an sinh bảo hiểm, chế độ ốm đau, thai sản ở khu vực này rất hạn chế...

Theo đại biểu, đất nước đang trở lại trạng thái bình thường mới, để hồi phục và phát triển, một trong những vấn đề quan trọng nhất chính là vấn đề lao động. Đóng góp cho Nghị quyết, đại biểu kiến nghị tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ và đề nghị áp dụng cả với lao động chính thức, lao động khu vực phi chính thức.Hiện nay, dự thảo đã dành khoảng 6.600 tỷ và chỉ dành cho người lao động chính thức là chưa phù hợp.

Đại biểu cũng kiến nghị dành khoản kinh phí thỏa đáng để hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho công nhân; dành khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cũng bày tỏ nhất trí rất cao trong việc đầu tư để hỗ trợ cung cấp nguồn lao động, phát triển các trường chất lượng cao. Vấn đề này rất cần thiết và tính kết nối của chương trình trong việc cung ứng lao động cho việc phục hồi kể cả trước mắt và lâu dài. “Tôi ủng hộ việc đề xuất hỗ trợ việc làm, triển khai chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp để có thể nâng cao năng lực đáp ứng trong tương lai là hội nhập quốc tế cũng như tăng cường năng lực đào tạo như xây dựng, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng giảng viên cho các trường nghề chất lượng cao ở các vùng tập trung nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và cần nhiều lao động cho phục hồi kinh tế.”, đại biểu bày tỏ quan diểm

Tán thành với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương)  đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người yếu thế và đối tượng chính sách

Đảm bảo nguồn lực, tính hiệu quả

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đánh giá cao việc ban hành các chính sách để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp do tác động của đại dịch COVID-19. Song theo đại biểu, một trong những nguyên tắc quan trọng của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và tất cả các Nghị quyết về phân bổ ngân sách của Quốc hội là phải bảo đảm các nguồn lực và tính hiệu quả.

Nêu quan điểm đề án cần cụ thể hóa, ràng buộc trách nhiệm nhiều hơn, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng cần chú trọng đến hiệu quả, cam kết sản phẩm đầu ra. “Với hơn 346.000 tỷ đồng, chúng ta sẽ thu được kết quả gì?” bà Mai đặt câu hỏi.

Nhấn mạnh nguyên tắc trong phân bổ ngân sách là đảm bảo nguồn lực, tính hiệu quả, kết quả đầu ra, đại biểu Mai đề nghị đề án đưa ra phải quy định rõ được kết quả nguồn lực đầu vào, hiệu quả đầu ra, bởi nếu không có cam kết cụ thể, thì khó có thước đo chính xác đánh giá kết quả.

Liên quan tới gói 346.000 tỷ đồng, theo nữ đại biểu, việc phân bổ gói này cho nhiều mục tiêu khác nhau, có những tiêu chí được phân bổ trực tiếp, có những tiêu chí thông qua các công cụ khác như thuế, hỗ trợ lãi suất.

Tuy nhiên, dù trực tiếp hay gián tiếp thì cũng cần có nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung vào nghị quyết những nội dung cụ thể về nguyên tắc, tiêu chí tương ứng với từng chính sách.

Ngoài các giải pháp được quy định tại dự thảo Nghị quyết,  đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị rà soát, bổ sung giải pháp về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh việc rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, các quy định pháp luật còn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường xử lý kịp thời các công việc trên nền tảng trực tuyến.

Bên cạnh đó, quy định chặt chẽ công tác giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động đầu tư công, quản lý tài chính nhà nước.

"Đây là vấn đề rất quan trọng, không cần phải tốn nhiều kinh phí để đầu tư nhưng rất cần thiết thực hiện để kịp thời tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn. Các giải pháp này phải được triển khai thực hiện ngay," đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu đoàn Thái Bình phát biểu thảo luận

Đại biểu đoàn Thái Bình phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng, mục tiêu ổn định vĩ mô là rất quan trọng, do vậy triển khai gói hỗ trợ cần chú ý đặc biệt đến lạm phát, thâm hụt ngân sách, nợ công... Chúng ta chấp nhận thâm hụt trong 2 năm 2022-2023 nhưng cần có giải pháp rõ ràng cho các năm sau.

Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát kỹ lượng đối tượng hỗ trợ, trong đó tính tới khả năng hấp thụ… Nếu lạm phát tăng cao thì lợi ích chương trình sẽ suy giảm, hỗ trợ doanh nghiệp là ưu tiên nhưng hỗ trợ như thế nào rất quan trọng, đại biểu Huy lưu ý.

Cũng theo ông Huy, chương trình cần lưu ý phương pháp hỗ trợ, trong đó tính đến cả trước mắt và lâu dài. "Cung cấp cần câu chứ không phải con cá. Đúng trọng tâm trọng điểm, không dàn trải", đại biểu Huy nhấn mạnh

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đề nghị Chính phủ đưa ra mục tiêu của chương trình, tổng quát cho từng năm cụ thể. Ông cũng lưu ý đến việc tránh phân tán nguồn lực, đảm bảo lạm phát, tránh để dòng tiền đi không đúng nơi, gây bong bóng bất động sản, chứng khoán...