Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quỹ Hỗ trợ việc làm ở nước ngoài: Rất cần thiết, và giảm gánh nặng ngân sách nhà nước

(Dân sinh) - Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bản chất Quỹ Hỗ trợ việc làm ở nước ngoài như một cơ chế dự phòng, nhằm khắc phục rủi ro, tai nạn của người lao động, hỗ trợ để phát triển thị trường… Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao “rất đồng tình ở việc không quy định và nguồn hình thành quỹ là từ nguồn ngân sách nhà nước, vì đã giảm được gánh nặng của ngân sách nhà nước khi chúng ta quá tải”.

Quỹ Hỗ trợ việc làm ở nước ngoài: Cần thiết, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước - Ảnh 1.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tiếp thu, làm rõ các ý kiến đại biểu nêu (Ảnh: Minh Đức)

Chiều 23/10, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Trong đó, liên quan đến việc cần thiết giữ và phát triển Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước là một trong các vấn đề đại biểu quan tâm.

Hỗ trợ, khắc phục những rủi ro cho người lao động

Nhấn mạnh, hoàn toàn đồng tình việc tiếp tục duy trì Quỹ, theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh), đây thực chất là những vấn đề của thực tiễn đặt ra.

                Toàn cảnh phiên thảo luận tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng

Đơn cử, từ những người lao động ở Trung Đông có vấn đề thì quỹ lao động này, đại biểu Sơn nhấn mạnh, là hết sức có tác dụng, "đỡ" cho cả nhà nước, cả người dân và an tâm hơn.

"Khi đi lao động ở ngoài nước có rất nhiều rủi ro, vì thế, có một quỹ như thế này, bảo đảm cho người lao động tin tưởng, và tạo điều kiện để hỗ trợ khắc phục những rủi ro cho họ; bảo đảm được quyền lợi cũng như trách nhiệm, kể cả hỗ trợ doanh nghiệp an tâm hơn, giúp họ xử lý những rủi ro, mở rộng thị trường và những yếu tố khác trong vấn đề này", ông Sơn nói.

Đồng thời, ông Sơn cho rằng, Chính phủ cần có quy định để nâng mức thụ hưởng một số rủi ro để phù hợp hơn, có giá trị hơn, "vì vừa rồi có những rủi ro thì mức hỗ trợ còn thấp".

"Đi liền với đó, cần có sự công khai, minh bạch và định kỳ giám sát trách nhiệm của phần đóng góp cũng như chi tiêu để tồn dư quỹ không quá lớn, tạo điều kiện cho người thụ hưởng và người lao động bị rủi ro được đáp ứng cao hơn", ông Nguyễn Văn Sơn nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các đại biểu bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Minh Đức - Ngọc Thắng)

Giao cho Quỹ hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Chung quan điểm, ông Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) đề nghị bổ sung quy định rõ hơn về việc phân bổ, hỗ trợ kinh phí từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước cho các địa phương để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật của Việt Nam và các nước sở tại tiếp nhận lao động "để mở rộng ổn định và phát triển thị trường lao động ở nước ngoài", ông nêu.

Cũng đánh giá cao việc cần phải có Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) cho rằng "rất đồng tình với một số vị đại biểu đã phát biểu trước về vấn đề Quỹ hỗ trợ việc làm ở nước ngoài.

Bà nhấn mạnh: "Rất đồng tình ở việc không quy định và nguồn hình thành quỹ là từ nguồn ngân sách nhà nước, vì đã giảm được gánh nặng của ngân sách nhà nước khi chúng ta quá tải".

Quỹ Hỗ trợ việc làm ở nước ngoài: Cần thiết, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước - Ảnh 4.

Toàn cảnh Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tiếp thu, làm rõ các ý kiến đại biểu nêu (Ảnh: Minh Đức)

"Có nhiều những cái để chi, và quan trọng nữa là chúng ta đã thực hiện được tinh thần đổi mới trong quản lý các đơn vị sự nghiệp của nhà nước và giao cho quỹ này hoạt động với tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm", bà Dao nói thêm.

Quỹ dành cho những tình huống cấp bách

Về vấn đề này, tiếp thu, làm rõ các ý kiến đại biểu nêu, trước hết Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng: "Thời gian vừa qua báo cáo đánh giá, ý kiến của Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo giải trình, chúng tôi cho rất là thấu đáo"

Và ở góc độ là cơ quan quản lý lao động ngoài nước, thì "Quỹ có cần không?", người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH khẳng định: "Chúng tôi rất cần quỹ này".

Theo đó, Bộ trưởng cho hay, bản chất quỹ như một cơ chế dự phòng, nhằm khắc phục rủi ro, tai nạn của người lao động, hỗ trợ để phát triển thị trường, giải quyết những vấn đề tranh chấp…

"Nhưng quỹ chỉ chi vào những khoản mà Nhà nước không đầu tư hoặc Nhà nước có đầu tư nhưng không đáp ứng, và những tình huống cấp bách… thì sử dụng Quỹ này", ông nói.

Thời gian tới, theo Bộ trưởng, tinh thần chung, sau khi Quốc hội thông qua, có thể ban hành Nghị định, hoặc nếu Luật cho phép, có thể giao cho Thủ tướng ban hành quyết định thành lập quỹ và giao cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy như thế nào.

"Nhưng tinh thần là không tăng bộ máy và không tăng biên chế", ông Dung dứt khoát.

Dự kiến, chiều ngày 13/11/2020, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật này, Chủ nhiệm UBCVĐXH Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến không tán thành việc tiếp tục duy trì Quỹ; một số ý kiến tán thành cao nhưng cần quy định cụ thể hơn về mục tiêu, nguyên tắc hoạt động; làm rõ về mục tiêu, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ.

Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, từ tình hình thực tiễn hiện nay, và các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra đối với người lao động khi làm việc ở nước ngoài, việc bảo đảm xử lý và có biện pháp kịp thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là rất cần thiết.

Trách nhiệm trước hết chính từ DN dịch vụ và bản thân người lao động thông qua việc đóng góp vào Quỹ này như một cơ chế dự phòng, khắc phục rủi ro.

Do vậy, quy định về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước xin được giữ nguyên. Đồng thời, bà Thúy Anh nhấn mạnh, tiếp thu ý kiến đại biểu, các điều 67, 68 và 69 đã được chỉnh lý phù hợp theo hướng:

Bỏ quy định Quỹ là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Lao động – TB&XH; Nhiệm vụ chi của Quỹ chỉ tập trung vào hỗ trợ, giải quyết những vấn đề rủi ro của người lao động, DN; Không trùng lặp nhiệm vụ chi của hoạt động quản lý nhà nước, nhiệm vụ chi thuộc trách nhiệm của DN;

Quy định nguyên tắc việc có cơ chế phối hợp linh hoạt giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận, hỗ trợ kịp thời cho người lao động và DN, nhất là khi người lao động gặp rủi ro ở nước ngoài.

Và giao Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; tổ chức hoạt động; quản lý, sử dụng, mức đóng góp vào Quỹ.