Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Rừng gỗ Pơ mu tại huyện Krông Bông Đắk Lắk lại bị xâm hại nghiêm trọng

Rừng gỗ Pơ-mu (thuộc nhóm IIa) tại Tiểu khu 1219 thuộc khu vực rừng do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Krông Bông quản lý lại bị “xẻ thịt”, nơi đây liên tục bị lâm tặc khai thác trái phép với quy mô lớn, nhưng chủ rừng, các ngành chức năng không phát hiện kịp thời, chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả khiến rừng Pơ-mu tại đây đứng trước nguy cơ xóa sổ.

Theo đó: ngày 1/3, nguồn thông tin từ Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, lực lượng chức năng vừa phát hiện một vụ khai thác gỗ trái pháp luật xảy ra tại tiểu khu 1219 thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Krông Bông.

Khi sự việc xảy ra Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông đã báo cáo sự việc, từ ngày 22 - 24/2, đơn vị đã phối hợp với UBND xã Yang Mao, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Krông Bông tổ chức kiểm tra tại các lô 12, 16, 19, 21, khoảnh 3 tiểu khu 1219 thuộc lâm phần quản lý của Công ty, địa giới hành chính xã Yang Mao, huyện Krông Bông tỉnh Đắk Lắk.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 11 cây gỗ Pơ mu (nhóm IIa quý hiếm) bị khai thác trái pháp luật, trong đó có 7 cây mới bị khai thác, 4 cây khô đã ngã đổ. Một số cây chỉ còn cành, ngọn, phần thân cây đã bị lấy đi khỏi hiện trường. Qua đo đếm sơ bộ, tổng khối lượng gỗ còn lại hiện trường tại thời điểm kiểm tra là 7,851 m3. Tại thời điểm kiểm tra chưa xác định được đối tượng khai thác gỗ trái pháp luật. 

Xét thấy vụ khai thác lâm sản trái pháp luật nêu trên có yếu tố hình sự, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện Krông Bông kiểm tra, xác minh, mở rộng hiện trường rà soát khu vực xảy ra vi phạm, đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để xác định rõ hành vi vi phạm, xử lý hoặc chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật.

Trên cơ sở chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, Hạt kiểm lâm huyện Krông Bông đã thành lập Đoàn khám nghiệm hiện trường gồm các lực lượng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Krông Bông, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, Hạt Kiểm lâm huyện, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng số 2, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Krông Bông và UBND xã Yang Mao. Thời gian khám nghiệm hiện trường từ ngày 28/2 - 2/3.

Những cây gỗ Pơ Mu đã bị khai thác (Ảnh Th - H)

Những cây gỗ Pơ Mu đã bị khai thác (Ảnh Th - H)

Trước đó vào ngày 20 và 21/9/2018, lực lượng kiểm lâm Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk phối hợp Chi cục Kiểm lâm vùng IV và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông tiến hành kiểm tra tại Tiểu khu 1219 do Công ty lâm nghiệp Krông Bông quản lý phát hiện 48 cây gỗ Pơ-mu bị đốn hạ, khai thác trái phép, trong đó, 21 cây đã bị lấy đi phần thân khỏi hiện trường, 27 cây còn lại bị cắt hạ, trong đó 8 cây còn nguyên, 19 cây bị lấy đi một phần thân.

Thế nhưng, chủ rừng cũng như các ngành chức năng ở địa phương không hề hay biết, khi vụ việc được phát hiện thì đã có 48 cây gỗ Pơ-mu hàng trăm năm tuổi đã bị lâm tặc “xẻ thịt”, khi vụ khai thác trái phép gỗ Pơ-mu này đang được điều tra, chưa tìm ra thủ phạm thì vào tháng 2/2019 lâm tặc tiếp tục đột nhập vào khu vực Tiểu khu 1219 khai thác trái phép 24 cây gỗ Pơ-mu, vào tháng 12/2019, lâm tặc tiếp tục khai thác trái phép 9 cây gỗ Pơ-mu tại lô 21 khoảnh 3 và lô 13 khoảnh 4 Tiểu khu 1219, tháng 2/2020 khai thác trái phép 14 cây gỗ Pơ-mu, tháng 4/2020 khai thác tiếp 19 cây gỗ Pơ-mu, liên tục xảy ra… Với hàng loạt vụ khai thác gỗ Pơ-mu trái pháp luật diễn ra trong thời gian dài, cùng tại 1 khu vực khiến rừng Pơ-mu hàng trăm năm tuổi ở đây tiêu tan.

Việc liên tục xảy ra các vụ khai thác gỗ Pơ-mu trái phép với khối tượng lớn khiến dư luận hết sức bức xúc, nghi vấn liệu có sự tiếp tay cho việc khai thác gỗ Pơ-mu hay công tác quản lý, bảo vệ rừng ở nơi đây có vấn đề?

Cây pơ mu là một chi cây hạt trần thuộc bách gia đình. Cây pơ mu được công nhận cây di sản. Gỗ pơ mu loại gỗ quý với chất lượng rất tốt. Gỗ pơ mu rất giống với các loại gỗ tuyết tùng khác trong họ cây bách với mùi thơm, hạt thẳng, mùi thơm khác biệt. Bộ lạc Lào và Dao sử dụng gỗ pơ mu để làm vách ngăn hoặc lợp mái.

Gỗ trước đây được sử dụng làm quan tài. Ở Việt Nam, nó được coi là một loại gỗ quý vì có mùi thơm đặc trưng và mật độ đặc biệt của nó; do đó, nó được sử dụng để làm các tác phẩm nghệ thuật, đồ nội thất, than có giá trị nhiệt cao.

Gỗ pơ mu thơm nên nó còn được chưng cất thành một loại tinh dầu gọi là dầu pemou được sử dụng trong liệu pháp mùi hương. Gỗ Pơ Mu thuộc nhóm IIA những loại thực vật rừng hạn chế khai thác