Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Sở GTVT Hà Nội tổ chức phân làn ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, nếu giải pháp phân làn ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi bằng dải phân cách cứng đạt hiệu quả, sẽ nghiên cứu mở rộng ra các tuyến đường khác trên địa bàn TP.

Rạng sáng 6/8, hơn 700m dải phân cách cứng đã được lắp đặt xong trên đường Nguyễn Trãi. Như vậy, cả 2 chiều của tuyến đường này được thí điểm phân làn đường dành riêng cho ô tô, xe máy.

Theo phương án phân làn của Sở GTVT Hà Nội, 2 làn xe giáp vỉa hè đường Nguyễn Trãi dành cho xe máy, xe thô sơ, xe buýt. Các làn đường còn lại trên tuyến đường này dành cho ô tô. Người điều khiển phương tiện đi theo hệ thống biển báo, sơn kẻ trên tuyến đường.

Ngày đầu phân làn, lực lượng thanh tra giao thông túc trực thường xuyên tại các điểm ra vào dải phân cách cứng hướng dẫn người điều khiển phương tiện đi đúng làn đường.

Dù vậy, cả tuyến đường dài gần 1,5km từ Nguyễn Trãi đến Ngã Tư Sở và chiều ngược lại, ô tô, xe máy vẫn đi lại lộn xộn, vô tư lấn làn như những ngày chưa có dải phân cách cứng.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng (nhà ở gần trường Đại học Khoa học Tự Nhiên), việc lắp dải phân cách cứng để "cưỡng bức" ô tô, xe máy đi làn đường riêng là ý tưởng phù hợp với hạ tầng gia giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi.

“Dù có mặt đường rộng, hạ tầng giao thông có đường sắt trên cao, xe buýt, cầu vượt cho người đi bộ… nhưng đường Nguyễn Trãi lúc nào cũng ùn tắc. Do phương tiện đi lại lộn xộn nên tuyến đường lúc nào cũng có nguy cơ tiềm ẩn va chạm giao thông”, ông Hưng chia sẻ.

Empty

Ủng hộ phương án cưỡng bức ô tô, xe máy đi làn đường riêng trên đường Nguyễn Trãi, nhưng anh Nguyễn Văn Cường (nhà ở đường Vũ Trọng Phụng) cho rằng, lực lượng chức năng cần nghiên cứu kỹ từng vị trí lắp đặt dải phân cách cho phù hợp với thực tế, đồng thời có biện pháp tuyên truyền để người dân đi đúng theo quy định.

“Tuyến đường Nguyễn Trãi có mật độ giao thông đông đúc, rất nhiều đường giao cắt nên nếu điểm lắp dải phân cách cứng ở vị trí không phù hợp thì rất có thể nó lại gây cản trở giao thông”, anh Nguyễn Văn Cường lo ngại.

Để phục vụ công tác phân luồng giao thông trên đường Nguyễn Trãi sau khi lắp đặt dải phân cách cứng, Đội CSGT Số 7 (Công an TP Hà Nội) bố trí một tổ công tác thường xuyên túc trực trên tuyến đường. Lực lượng này có nhiệm vụ hướng dẫn người dân đi đúng làn đường. 

“Từ thực tế chúng tôi sẽ có những góp ý để Sở GTVT Hà Nội điều chỉnh dải phân cách và biển báo một cách phù hợp nhất, nhằm giảm thiểu ùn tắc trên tuyến đường”, đại diện Đội CSGT Số 7 chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hải - Đại diện Ban Duy tu các công trình giao thông Hà Nội cho biết, đường Nguyễn Trãi có nhiều mặt cắt với các tuyến phố, thậm chí là ngõ nhỏ. Dải phân cách được lắp tại những khu vực không giao cắt và không có ô tô ra vào.

“Thời gian thí điểm, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu thực tế, lấy ý kiến của người dân để điều chỉnh dải phân cách và biển báo sao cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người điều khiển phương tiện”, ông Nguyễn Văn Hải nói.

Theo ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, đường Nguyễn Trãi có mật độ ô tô, xe máy đông đúc, nhiều đường giao cắt dẫn đến thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Để giải quyết vấn đề này, Sở GTVT đã báo cáo TP cho thí điểm lắp đặt dải phân cách cứng tách riêng là ô tô, xe máy.

Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, trong thời gian thí điểm, lực lượng chức năng thường xuyên túc trực để phân luồng, đồng thời tuyên truyền để người dân đi đúng làn đường. Sau thời gian thí điểm, với những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt theo quy định.

Theo ông Trần Hữu Bảo, Sở GTVT sẽ lấy ý kiến của người dân để nghiên cứu để khắc phục những phát sinh mới trên tuyến đường Nguyễn Trãi sau khi lắp đặt dải phân cách cứng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông. Nếu việc phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi đạt hiệu quả, Sở GTVT sẽ nghiên cứu để áp dụng trên tuyến đường khác của TP Hà Nội.