Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Sóc Trăng lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện xóa đói, giảm nghèo

Xác định công tác dân tộc và chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã và đang tập trung huy động các nguồn lực, lồng ghép hiệu quả nhiều chương trình, dự án để thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

Hỗ trợ xây gần 1.300 căn nhà cho hộ nghèo Khmer

Là địa phương có tỷ lệ người Khmer sinh sống đông (hơn 30% dân số), tỷ lệ nhà ở đơn sơ tạm bợ còn cao, những năm qua, Sóc Trăng đã có nhiều nỗ lực trong việc xoá dần nhà tạm bợ, dột nát và xây dựng lại nhà ở vững chắc cho bà con nghèo, khó khăn.

Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, Trưởng ban Chỉ đạo vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở tỉnh Sóc Trăng cho biết, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương hiện còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu ngân sách hàng năm thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 40% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.

Hiện  Sóc Trăng còn 15.139 hộ nghèo (chiếm 4,54% tổng số hộ) theo tiêu chí nghèo đa chiều; trong đó hộ nghèo Khmer còn 7.122 hộ (chiếm 7,01% tổng số hộ Khmer).  Do đó, việc triển khai Chương trình vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở vừa mang tính nhân văn sâu sắc vừa có ý nghĩa thiết thực trong việc chăm lo cho người nghèo, đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Cây hành tím đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Sóc Trăng.

Cây hành tím đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Sóc Trăng.

Với sự nỗ lực tuyên truyền, trong 2 năm 2021 - 2022, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn đã ủng hộ trên 174 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Ban Chỉ đạo đã xây dựng được gần 3.500 căn nhà, trong đó xây dựng gần 1.300 căn nhà cho hộ đồng bào Khmer nghèo. Mỗi căn nhà có giá trị 50 triệu đồng, bảo đảm đủ tiêu chí “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng), giúp hộ nghèo, nhất hộ Khmer nghèo có nhà ở ổn định, an tâm lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng

Không chỉ vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà, Sóc Trăng còn tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, các thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Nếu như trước kia, con đường tại ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành nhỏ, lầy lội khó đi, nay khang trang, sạch sẽ, việc kinh doanh của rất nhiều gia đình cũng thuận tiện, nhờ đó kinh tế cũng khá hơn trước.

Theo lãnh đạo huyện Châu Thành, quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới đã làm tốt công tác vận động, truyền truyền, người dân tự nguyện hiến đất làm đường, mở rộng tuyến đường, đóng góp ngày công. Còn huyện Thạnh Trị cũng có hơn 35% số dân là đồng bào dân tộc Khmer, nơi đây ngày một khởi sắc.

Hiện nay, các tuyến giao thông trong huyện đều tạo thuận lợi trong việc đi lại và giao thương hàng hóa. Ngoài ra, điện lưới quốc gia phủ khắp các phum sóc với hơn 99,5% số hộ sử dụng điện, hơn 84% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Thu nhập đạt hơn 47 triệu đồng/người, hộ nghèo giảm còn 2.464 hộ, chiếm 4,24%; trong đó, hộ Khmer nghèo giảm còn 1.388 hộ, chiếm 7,3%.

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, với sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ sở hạ tầng và đời sống người dân nói chung, đồng bào Khmer nói riêng ở tỉnh Sóc Trăng đã thay đổi rất nhiều. Đây chính là động lực để đồng bào tiếp tục đồng sức, đồng lòng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Bên cạnh đó, Sóc Trăng tập trung mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc lồng ghép kết hợp với chính sách đầu tư của Chính phủ như: Đầu tư hạ tầng, nhà ở, nước sạch, hỗ trợ phát triển sản xuất; y tế, giáo dục đào tạo, tăng cường giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm; tín dụng ưu đãi; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chính sách hỗ trợ giảm nghèo... từng bước thay đổi tập quán sản xuất, mở rộng quy mô, dịch vụ phục vụ sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, góp phần cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.