Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Sửa luật: Gỡ vướng nhưng phải ngăn trục lợi chính sách

Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, ngày 6/1, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Đại biểu Quốc hội Tổ 3 trao đổi trong giờ giải lao sáng 6/1

Đại biểu Quốc hội Tổ 3 trao đổi trong giờ giải lao sáng 6/1

Phải đảm bảo nguyên tắc hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân

Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận được quan tâm là  điểm c khoản 1 Điều 75 của Dự thảo Luật .Đánh giá việc sửa quy định là cần thiết để gỡ vướng mắc cho hàng trăm dự án, song đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh, cần phải đảm bảo nguyên tắc hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Đại biểu bày tỏ băn khoăn khi điểm c, khoản 1 quy định có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở vì như vậy mở rộng diện giao đất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư không qua đấu thầu dự án và không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

 “Về mặt nhà đầu tư và doanh nghiệp là hoàn toàn thuận lợi nhưng rõ ràng ở đây là phải đánh giá được lợi ích giữa cộng đồng, nhà đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp và người dân như thế nào? Đặc biệt, trong báo cáo đánh giá tác động có nêu, sửa như thế này thì nguồn cung thị trường bất đống sản dồi dào hơn thì đúng rồi vì thủ tục đấu giá, đấu thầu không còn nữa. Nhưng tôi băn khoăn là chính sách tài chính về đất đai” – ông Nguyễn Trường Giang đặt vấn đề và đề nghị làm rõ đã đảm bảo được nguyên tắc hài hoà lợi ích, thống nhất hệ thống pháp luật đã đặt ra hay chưa, đồng thời phải đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, bởi hiện một số  luật liên quan đến tài chính đất đai  chúng ta cũng chưa sửa.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi- đoàn Hải Phòng

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi- đoàn Hải Phòng

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quàng Văn Hương (đại biểu đoàn Sơn La) cho rằng, đây là những điểm nghẽn chúng ta phải tháo gỡ. Tuy nhiên, quan điểm chung  là phải thống nhất chặt chẽ giữa các luật, đảm bảo quyền của những người liên quan, giữ được sự ổn định chặt chẽ của xã hội, đồng thời phòng ngừa trục lợi chính sách như việc thu gom đất.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưy ý tránh tình trạng “con gà – quả trứng”, đề nghị quy định rõ trình tự để tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư: “Ví dụ trong Luật Đầu tư nói rằng, khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở thương mại mà sử dụng các hình thức đất này thì có bước là thẩm định khả năng đáp ứng điều kiện chuyển đổi sử dụng đất của nhà đầu tư. Vậy thì có thực hiện bước đó không? Nếu thực hiện rồi thì giá trị văn bản thẩm định như thế nào để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, không đòi hỏi thủ tục khác. Tránh sang cơ quan này hỏi chuyển sử dụng đất đâu, cơ quan kia hỏi phê duyệt chủ trương đầu tư đâu”.

Đồng tình với ý kiến cho rằng cần đánh giá rõ tác động khi sửa quy định để phù hợp các quan điểm: Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, không tạo vướng mắc mới; chặt chẽ về quản lý đất đai, tránh trục lợi chính sách; đảm bảo liên thông với luật khác để tránh vướng mắc sau này, ông Hoàng Thanh Tùng đặt câu hỏi “Ví dụ luật ra đời có dẫn đến tình trạng nhà đầu tư đi thu gom đất chưa phải đất ở, rồi chờ quy hoạch để trao đi đổi lại, bán thu lợi hay không? Cần dự báo trước để có quy định chặt chẽ. Rồi về nghĩa vụ tài chính đất đai phải thực hiện đầy đủ. Quy định hiện tại chưa thực sự sát thực tiễn, dẫn đến việc bồi thường, nộp tiền sử dụng đất chưa sát, người dân kêu thế này thế kia...”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu

Tăng cường phân quyền cho các địa phương là phù hợp

Ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công là phù hợp tình hình thực tế. Việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhằm tăng tính chủ động, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và giảm thiểu các thủ tục hành chính. Quy định như hiện hành đã dẫn đến phát sinh nhiều thủ tục hành chính liên quan đến thực hiện phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các dự án có khi phải trình Thủ tướng Chính phủ nhiều lần.

Vì vậy, việc sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp đối với sử dụng nguồn vốn này sẽ làm giảm thủ tục hành chính, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA.

Để tránh trường hợp các dự án ban đầu thuộc nhóm B, C nhưng sau điều chỉnh sẽ thuộc nhóm A, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, dự thảo Luật quy định rõ việc phân cấp thẩm quyền trong điều chỉnh chủ trương đầu tư chỉ áp dụng trong trường hợp điều chỉnh thuộc phạm vi đề xuất dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không làm thay đổi phân loại dự án. Trong trường hợp việc điều chỉnh chủ trương đầu tư làm thay đổi phân loại dự án phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi điều chỉnh.

Thảo luận tại Tổ 3 sáng 6/1

Thảo luận tại Tổ 3 sáng 6/1

Ông Nguyễn Hữu Thông nêu, về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư sẽ bảo đảm tháo gỡ được các vướng mắc thực tế hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.

Bên cạnh đó, bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, phòng ngừa việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, cộng đồng, của nhà đầu tư. Đồng thời cũng bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là sự liên thông, kết nối với các quy định có liên quan của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, pháp luật về quy hoạch.