Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tại sao cần chẩn đoán và điều trị sớm hội chứng bàng quang tăng hoạt?

Người bệnh mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt thường âm thầm chịu đựng thay vì nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Từ đó dẫn đến rối loạn đi tiểu kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt hằng ngày và thậm chí là tâm lý của người bệnh. Việc chủ động điều trị cũng như tuân thủ những lưu ý để kiểm soát bệnh được xem là phương pháp hữu hiệu để cải thiện chất lượng cuộc sống.

PGS TS BS. Nguyễn Văn Ân – Trưởng khoa Niệu học chức năng BV ĐHYD TP.HCM chia sẻ, theo số liệu từ khảo sát 2000 người trường thành (trên 18 tuổi) của Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam vào năm 2014, xuất độ mắc bàng quang tăng hoạt ở Việt Nam khoảng 12,2%. Nhìn chung, tỉ lệ mắc bàng quang tăng hoạt tăng dần theo tuổi, dưới 60 thì nữ có xu hướng bị nhiều hơn nam, còn khi tuổi trên 60 thì ngược lại.

Trên thực tế, nhiều người bệnh thường tự chịu đựng các triệu chứng trong suốt một thời gian dài mới tìm đến bác sĩ. Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Người bệnh bị mất tập trung, cản trở sinh hoạt, gián đoạn giấc ngủ kéo dài và dẫn đến nhiều hệ lụy như trầm cảm, tự kỷ, giảm khả năng tình dục…

PGS TS BS. Nguyễn Văn Ân – Trưởng khoa Niệu học chức năng BV ĐHYD TP.HCM tâm vấn cho người bệnh

PGS TS BS. Nguyễn Văn Ân – Trưởng khoa Niệu học chức năng BV ĐHYD TP.HCM tâm vấn cho người bệnh

Bàng quang tăng hoạt không phải bệnh lý gây tử vong nhưng người bệnh nên chủ động đến kiểm tra, điều trị sớm để gia tăng hiệu quả và giảm mức độ ảnh hưởng đến chất lượng sống. Chẩn đoán bàng quang tăng hoạt chủ yếu dựa vào khám lâm sàng, loại trừ các bệnh lý đường tiểu dưới khác bằng những xét nghiệm như tổng phân tích nước tiểu hoặc siêu âm bụng để kiểm tra hệ tiết niệu.

Lưu ý trong quá trình điều trị bệnh

Theo PGS TS BS. Nguyễn Văn Ân, bên cạnh việc điều chỉnh cách sinh hoạt và chế độ ăn uống cho phù hợp, người bệnh cần sử dụng đúng cách một số thuốc để kiểm soát triệu chứng theo chỉ định của bác sĩ. Trên thực tế, nhiều người tự động ngưng dùng thuốc sau 1-2 tuần vì cảm thấy chưa được cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, thời gian dùng thuốc cần kéo dài 2 – 3 tháng để thấy được hiệu quả rõ rệt. Do đó, người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ để được điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp.

Việc kiểm soát thói quen và chế độ sinh hoạt đóng vai trò rất lớn trong việc điều trị bệnh. Nhiều trường hợp đã cải thiện đáng kể nhờ duy trì chế độ sống lành mạnh. Người bệnh nên áp dụng các phương pháp: viết “nhật ký đi tiểu”, tập đi tiểu theo giờ, điều chỉnh chế độ ăn uống (hạn chế một số thức ăn và thức uống có tính kích thích), điều chỉnh lượng nước uống vừa phải, nếu bị tiểu đêm nhiều thì nên hạn chế uống nước sau 18 giờ hoặc trong vòng 3-4 giờ trước khi ngủ.

Đối với các trường hợp bàng quang tăng hoạt nặng, khi điều trị bằng thuốc đúng liều và đủ thời gian mà vẫn không hiệu quả, một số phương pháp bổ trợ có thể được áp dụng như: nội soi tiêm botulinum toxin vào bàng quang, sử dụng thiết bị kích thích thần kinh chày hoặc cấy ghép thiết bị điều biến thần kinh cùng. Những trường hợp này cần có chỉ định và tư vấn trực tiếp từ bác sĩ điều trị.