Chương trình Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) giai đoạn 2016- 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 05/QĐ-TTg, ngày 05/01/2016, nhằm chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; ngăn chặn tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) và chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Đồng thời nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.
Với mục tiêu cụ thể đến năm 2020, trung bình hàng năm giảm 5% tần suất TNLĐ chết người trong một số ngành, lĩnh vực được triển khai; Hỗ trợ huấn luyện về ATVSLĐ cho 15.000 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, 20.000 người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, 10.000 người làm công tác ATVSLĐ, 2.000 người làm công tác y tế và 1.000 an toàn, vệ sinh viên tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ phổ biến thông tin phù hợp về ATVSLĐ đến 50 làng nghề, 200 hợp tác xã có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ thí điểm 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý ATVSLĐ, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về ATVSLĐ và xây dựng văn hóa an toàn trong lao động.
Thực hiện Chương trình, hàng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đều có công văn hướng dẫn chi tiết để các địa phương triển khai thực hiện. Đối với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tham gia Chương trình đều dự thảo kế hoạch triển khai chi tiết và gửi xin ý kiến chính thức cơ quan chủ trì dự án trước khi triển khai; Nội dung hướng dẫn Chương trình, Dự án cũng được lồng ghép trong các buổi hội thảo chuyên đề về ATVSLĐ, như: Hướng dẫn xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ; Kỹ năng truyền thông, tư vấn, huấn luyện nghiệp vụ đánh giá kết quả thực hiện của các doanh nghiệp vừa và nhỏ... Công tác kiểm tra thực hiện Chương trình tại các địa phương và doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc báo cáo thực hiện Dự án ngày càng được các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương quan tâm thực hiện đúng thời hạn và đủ nội dung…
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, hầu hết các mục tiêu của Chương trình đều đạt kế hoạch đề ra, trong đó tần suất tai nạn lao động (TNLĐ) chết người là 6,14/100.000 lao động, giảm 19,74% so với giai đoạn 2011 – 2015 (tần suất là 7,19/100.000 lao động). Ước tính, đến hết năm 2020 đạt mục tiêu đặt ra (Bình quân mỗi năm giảm trên 5% tần suất TNLĐ).
Trong năm 2019, có 6.288 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong cả nước triển khai quan trắc môi trường lao động; 1.824.321 người lao động được khám sức khỏe định kỳ; 243.418 trường hợp người lao động làm việc trong điều kiện tiếp xúc với các yếu tố có hại được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp (BNN). Còn theo báo cáo từ các doanh nghiệp trong 5 năm qua, có 960.089 người lao động đã được khám phát hiện BNN (tùy theo thời gian tiếp xúc với yếu tố có hại), chiếm 43,68% tổng số mắc nguy cơ; 33,5% doanh nghiệp lớn và 5,1% doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện quan trắc môi trường lao động.
Trong 4 năm qua, Chương trình đã hỗ trợ trên 8,5 ngàn doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ. Trong đó, đã hỗ trợ chuyên gia để tư vấn chuyên sâu trên 06 tháng tại 513 doanh nghiệp, giúp triển khai vận hành toàn diện hệ thống quản lý, từ xây dựng bộ máy tổ chức đến đánh giá rủi ro về ATVSLĐ, từ triển khai các biện pháp phòng chống đến ghi chép, khai báo, điều tra khi TNLĐ xảy ra…; Có 171 doanh nghiệp đã đạt được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc tế về ATVSLĐ (ISO 45001-2018).
Bên cạnh đó, đã có trên 80% số làng nghề, 70% số hợp tác xã có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN được tiếp cận thông tin phù hợp về ATVSLĐ; Hỗ trợ thí điểm thành công 05 mô hình tư vấn, hỗ trợ triển khai các biện pháp kỹ thuật phòng chống TNLĐ, BNN tại doanh nghiệp vừa và nhỏ...; 100% người lao động đã xác nhận bị TNLĐ, BNN được điều trị và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật; 100% số vụ TNLĐ chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Việc triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2016-2020, trong những năm qua, công tác ATVSLĐ đã được các Bộ, ngành, các địa phương, các cơ sở sản xuất kinh doanh coi trọng và trở thành một trong những nội dung không thể thiếu trong kế hoạch sản xuất hàng năm. Người sử dụng lao động và người lao động đã tích cực hưởng ứng các phong trào quần chúng tham gia công tác ATVSLĐ, tham dự các hội thi tìm hiểu về công tác ATVSLĐ, sáng kiến cải thiện điều kiện lao động, thi sáng tác tranh cổ động... Bên cạnh đó, công tác ATVSLĐ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn đã và đang được quan tâm triển khai, tác động tích cực đến nhận thức của hàng triệu người lao động trong nông nghiệp, hàng vạn sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc đã được người nông dân triển khai sau khi tham dự các lớp tập huấn về ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp.
Với việc giảm tần suất TNLĐ và tỷ lệ người mắc mới BNN đã tiết kiệm được chi phí chi trả cho các vụ TNLĐ, BNN. Chỉ tính riêng khu vực tham gia bảo hiểm xã hội, ước tính tiết kiệm được trên 90 tỷ đồng mỗi năm, còn tính trên toàn bộ lực lượng lao động là trên 350 tỷ đồng mỗi năm. Góp phần tiết kiệm hao phí sức lao động xã hội, giảm tỷ lệ đói nghèo, giảm gánh nặng cho xã hội.