Quay lại Dân trí
Dân Sinh

"Tận thu từ di sản"

(Dân sinh) - Cách đây ít lâu, khi có dịp trở lại vịnh Hạ Long sau hơn 10 năm, người viết thực sự ngỡ ngàng trước những "đổi thay chóng mặt" khi bắt gặp quá nhiều công trình nhân tạo "xâm lấn" cảnh vật thiên nhiên.

 Không còn cảm giác vừa sợ hãi, vừa thích thú khi len lỏi giữa những lối mòn chênh vênh men theo vách đá để khám phá các hang động, thay vào đó là những con đường bê tông có rào chắn - tiện lợi, dễ dàng và an toàn.

"Tận thu từ di sản" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nếu trước kia, để khám phá một hang động ở đây phải mất cả buổi thì bây giờ chỉ cần hơn 1 tiếng đồng hồ. Nhờ đó, kỳ quan này có thể đón tiếp được nhiều lượt khách hơn hẳn so với trước và du khách cũng có thể trải nghiệm được nhiều địa điểm hơn chỉ với một quỹ thời gian không quá rộng rãi. Đồng nghĩa doanh thu của các nhà quản lý và khai thác, kinh doanh ở đây cũng tăng lên đáng kể.

Đó là một trong những ví dụ về khai thác di sản được thực hiện khá phổ biến ở nhiều điểm du lịch thời gian gần đây. Bên cạnh việc đổ bê tông vùng lõi vịnh Hạ Long, việc xây dựng cầu "xuyên lõi" nên núi Cái Hạ (Tràng An, Ninh Bình) hay những tuyến đường, cáp treo xuyên qua các di sản, cùng với nhiều công trình nhân tạo "giả cổ"... khiến du khách cảm thấy phân vân khi lạc giữa "mê hồn trận" của thật - giả, cũ - mới.

Những công trình nhân tạo được các nhà đầu tư dựng lên ngoài ý nghĩa "tôn tạo" nhằm nâng cao giá trị của di sản bằng cách "mang hơi thở thời đại" pha trộn vào phần cổ xưa, nguyên thủy của di sản còn có mục đích nâng cao doanh thu.

Thế nhưng, một chuyên gia về bảo tồn di sản cho rằng "việc khai thác giá trị từ di sản là hợp lý và cần thiết nhưng không thể đặt mục tiêu tận thu từ di sản". Thực tế, mô hình hợp tác công tư để khai thác phát huy giá trị và bảo tồn di sản là mô hình đã được chứng minh hiệu quả đối với nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn như ở Pháp, chính quyền đã tách chức năng quản lý di sản thuộc về nhà nước nhưng quản trị và thu phí giao cho doanh nghiệp đối với tháp Eiffel. Mô hình tương tự cũng được áp dụng hiệu quả tại Campuchia với Angkor Wat, các di tích nổi tiếng ở Hy Lạp, Italia, hay cả với hệ thống Kim Tự Tháp của Ai Cập... Mô hình này đã mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân; tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân, trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích cho cộng đồng xã hội.

Đó là những hình mẫu mà Việt Nam có thể học hỏi để áp dụng nhằm bảo tồn và khai thác hiệu quả các di sản của mình; đồng thời, cần nhận thức rõ ràng về vai trò giám sát của người dân, có cơ chế để người dân giám sát và có tiếng nói trọng lượng nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản, với tư cách là một tài sản chung của quốc gia. Chỉ khi ấy mới hạn chế, ngăn chặn được các hành động mang tính tận thu có thể gây tổn hại đến các giá trị lâu dài của di sản.