Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động vùng bờ

Nước thải từ tàu thuyền, nước dằn tàu, nước súc rửa tàu, nước la canh và nước thải từ tàu thuyền khác cần phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, không được pha loãng nhằm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra biển...

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động vùng bờ.

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động vùng bờ.

Đây là đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động vùng bờ.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tăng cường kiểm soát các chất thải từ các hoạt động vùng bờ như: từ các chợ cá, cảng cá, cảng biển… khu vực nuôi trồng thủy, hải sản ven bờ; các chất thải từ các hoạt động ven bờ cần được thu gom và xử lý đúng nơi quy định. 

Nước thải từ tàu thuyền, nước dằn tàu, nước súc rửa tàu, nước la canh và nước thải từ tàu thuyền khác cần phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, không được pha loãng nhằm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra biển. Đồng thời, kiểm soát, quản lý chặt chẽ các dòng xả nước thải ra môi trường, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường tại các khu, cụm công nghiệp ven biển trên địa bàn tỉnh. 

Các địa phương cần có kế hoạch thu gom và xử lý chất thải rắn trôi nổi tại các vùng biển ven bờ nhằm bảo vệ môi trường vùng bờ. Riêng chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển; nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý theo quy định.

Khuyến khích các cá nhân, tổ chức sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. 

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị các địa phương ven biển trên địa bàn yêu cầu chủ các phương tiện vận chuyển, lưu giữ xăng, dầu có nguy cơ gây sự cố tràn dầu trên biển phải có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu và được cơ quan chức năng phê duyệt theo đúng quy định.

Hằng năm, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ môi trường biển và hải đảo cho cộng đồng dân cư ven biển và các đối tượng thường xuyên hoạt động trên biển. Tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tăng cường tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa để hạn chế phát thải ra môi trường. 

Các Sở, Ban, ngành có liên quan có kế hoạch hướng dẫn, quản lý thu gom và xử lý chất thải phát sinh từ các hoạt động ven bờ, các tàu thuyền đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.