Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tạo điều kiện để người khuyết tật không ai bị bỏ lại phía sau

Ngày 10/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Người mù Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật (NKT) 3/12, hướng tới thập kỷ NKT khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 2023 – 2032. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù ASEAN”.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại lễ mít tinh.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại lễ mít tinh.

Thông tin từ baotintuc.vn cho biết: Dự lễ mít tinh có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; lãnh đạo Hiệp hội Hội Người mù khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và 6 nước trong khu vực ASEAN gồm: Brunei, Lào, Myanmar, Malaysia, Philipine, Thái Lan và 500 đại biểu đại diện Hội Người mù các tỉnh, thành phố cả nước và hội viên Hội Người mù TP phố Hà Nội.

Phát biểu tại lễ mít tinh, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong việc quan tâm, tạo điều kiện để NKT nói chung, người mù nói riêng thực hiện quyền bình đẳng, phát huy khả năng, vươn lên hòa nhập cộng đồng với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Từ năm 1992, Liên hợp quốc quyết định lấy ngày 3/12 là ngày quốc tế NKT nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về các vấn đề của NKT và vận động hỗ trợ cho các hành động vì quyền, nhân phẩm và hạnh phúc của NKT. Vào dịp này hàng năm, Liên hợp quốc đưa ra chủ đề để thúc đẩy thực hiện công ước về quyền của NKT.

Chủ đề năm nay là “Các giải pháp chuyển đổi để phát triển bao trùm: Vai trò của đổi mới trong việc thúc đẩy một thế giới tiếp cận và bình đẳng”. 

Bộ Kế hoạch và đầu tư trao tặng 400 cây gậy trắng cho Hội Người mù Việt Nam và các nước ASEAN.

Bộ Kế hoạch và đầu tư trao tặng 400 cây gậy trắng cho Hội Người mù Việt Nam và các nước ASEAN.

Cũng với mục tiêu hiện thực hóa quyền của NKT, tháng 10/2022, 53 quốc gia thành viên và 9 thành viên liên kết thuộc Ủy ban Kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) đã thông qua Tuyên bố Jakarta về thực hiện quyền của NKT tại Hội nghị cấp cao Liên Chính phủ tổng kết thập kỷ NKT khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, 2013 – 2022. UNESCAP đã nhất trí rằng Thập kỷ NKT khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2023–2032 cần tiếp tục tập trung vào việc thực hiện có hiệu quả Chiến lược Incheon và Tuyên bố Bắc Kinh, trong đó có “Kế hoạch hành động để đẩy nhanh việc thực hiện Chiến lược Incheon”, đồng thời, đưa ra 6 vấn đề trọng tâm nhằm thúc đẩy hành động và bảo vệ quyền của NKT.

Cùng với thế giới và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhằm góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN liên kết chặt chẽ giữa các thành viên vì mục tiêu hòa bình, thịnh vượng và lấy người dân làm trung tâm, Chính phủ các nước ASEAN cũng đã cam kết thực hiện Kế hoạch tổng thể của ASEAN đến năm 2025 về lồng ghép quyền của NKT. Trong đó, cộng đồng người mù ASEAN đã cùng nhau xây dựng tình đoàn kết, gắn bó, hợp tác và phát triển.

Với sáng kiến của Hội Người mù Thái Lan, từ năm 2013, Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN đã được tổ chức hàng năm, tạo điều kiện để các tổ chức của và vì người mù tại các nước trong khu vực trao đổi kinh nghiệm, thảo luận về những vấn đề quan tâm và đề ra phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động góp phần giúp người mù trong khu vực khắc phục khó khăn, phát huy khả năng, hòa nhập cộng đồng…

Các đại biểu cùng người khiếm thị với cây gậy trắng diễu hành quanh hồ Hoàn Kiếm.

Các đại biểu cùng người khiếm thị với cây gậy trắng diễu hành quanh hồ Hoàn Kiếm.

Sự kiện được báo Nhân dân đưa tin: Tại lễ mít-tinh, đại diện cho những người khiếm thị Việt Nam và đại diện hội người mù 7 nước tham dự chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù ASEAN” tại Hà Nội từ ngày 9-10/12, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Đinh Việt Anh cũng gửi Tuyên bố chung và một số khuyến nghị của Cộng đồng người mù ASEAN dành cho Chính phủ các nước và Cộng đồng ASEAN trong việc thúc đẩy bảo đảm quyền cho NKT nói chung, người khiếm thị nói riêng.

Trong đó, đề nghị các Chính phủ tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, chú trọng những điểm trọng tâm đã được nêu trong tuyên bố Jakarta về thực hiện quyền của NKT cần thúc đẩy trong thập kỷ NKT khu vực châu Á-Thái Bình dương 2023-2032, Kế hoạch tổng thể của ASEAN về lồng ghép quyền của NKT. Đặc biệt, tất cả các quốc gia đều gia nhập và thực hiện Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị và NKT chữ in tiếp cận với các tác phẩm đã công bố...

Đồng thời, tập trung đánh giá những cơ hội, thách thức của người khiếm thị trong khu vực về tiếp cận thông tin, giáo dục, việc làm… và cam kết sẽ cùng nhau đẩy mạnh các mặt hoạt động, nỗ lực phấn đấu cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp người mù hòa nhập cộng đồng.

Tiếp nối thành công của hành trình “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam” với hơn 20.600 cây gậy trắng đã được trao cho người mù trên mọi miền đất nước, tại sự kiện, Bộ Kế hoạch và đầu tư trao 400 cây gậy trắng tặng Hội Người mù Việt Nam và các nước ASEAN.

Sau lễ mít tinh, các đại biểu cùng nhau đi bộ diễu hành quanh hồ Hoàn Kiếm với hình ảnh người mù cầm cây gậy trắng, để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo đảm an toàn cho người mù khi tham gia giao thông; đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện để người mù phát huy tính chủ động, tự lập trong các lĩnh vực của cuộc sống, tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng.