Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tập trung nguồn lực để A Lưới thoát nghèo cuối năm 2023

Với mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 24,91% và đưa A Lưới thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt vào cuối năm 2023, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo tăng cường hỗ trợ, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, ưu tiên bố trí, phân bổ kinh phí để địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra các dự án hỗ trợ giảm nghèo tại huyện A Lưới

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra các dự án hỗ trợ giảm nghèo tại huyện A Lưới

A Roàng là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện miền núi A Lưới. Ông Hồ A Lua - Chủ tịch UBND xã A Roàng cho biết, toàn xã có 741 hộ, với 3.054 khẩu, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, đến cuối năm 2022, A Roàng có 371 hộ nghèo, tương đương tỷ lệ 50,07%. Thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững, xã A Roàng phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm 119 hộ nghèo, còn lại 252 hộ, với tỷ lệ 34,01%.

Theo ông Lua, trong thời gian qua, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp, cách làm, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế, tạo việc làm tăng thêm thu nhập cho người dân; nhất là tập trung huy động các nguồn lực để xoá nhà tạm cho các hộ nghèo và hỗ trợ sinh kế cho người dân. Xã cũng đã lồng ghép, sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông, văn hóa xã hội khá đồng bộ; trong đó ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ cho người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi ngành nghề, phát triển sản xuất…

Không chỉ riêng xã A Roàng, để hiện thực hoá mục tiêu đưa A Lưới thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt vào cuối năm 2023, toàn bộ hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã đã và đang vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, ưu tiên bố trí các nguồn lực cho chương trình. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã nhận được sự đồng thuận cao từ xã hội. Các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tại A Lưới đã tập trung nỗ lực vươn lên, tự giảm nghèo cho gia đình. Ông Huỳnh Công Quảng - Bí thư Huyện uỷ A Lưới khẳng định, qua gần 2 năm triển khai công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và sự triển khai quyết liệt của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động; huy động, phân bổ hợp lý nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các chương trình gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững. Năm 2022, hộ nghèo toàn huyện A Lưới giảm 1.623 hộ còn 5.399 hộ, chiếm tỷ lệ 38,20%. Năm 2023, dự kiến hộ nghèo giảm 1.878 hộ, còn lại 3.521 hộ tương ứng 24,91%, đủ điều kiện để đưa huyện A Lưới thoát khỏi 74 huyện nghèo Quốc gia vào cuối năm 2023.

Nhiều nguồn lực được tập trung đầu tư để giúp A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia vào cuối năm 2023

Nhiều nguồn lực được tập trung đầu tư để giúp A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia vào cuối năm 2023

Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh cho biết, tiến trình giảm nghèo của huyện A Lưới gắn với tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nên vấn đề giảm nghèo phải thực chất. Giảm nghèo phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của từng hộ nghèo, phải xóa nhà tạm và tạo việc làm, tạo sinh kế, để nâng cao đời sống cho người dân. Ông Thọ yêu cầu lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thành việc đánh giá, tiếp tục tiến hành rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo năm 2023; tập trung huy động các nguồn lực để triển khai có hiệu quả việc xóa nhà tạm và tạo sinh kế lâu dài cho người dân. Các sở, ngành tỉnh và các phòng, ban của huyện A Lưới hướng dẫn cụ thể, kịp thời các vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nhằm cụ thể hoá các mục tiêu và giải pháp, ngày 13/10, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ huyện A Lưới thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn vào cuối năm 2023. Mục tiêu cụ thể mà kế hoạch hướng tới đó là đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều của A Lưới giảm từ 52,9% (trong đó: tỷ lệ hộ nghèo là 38,2%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 14,7%) xuống còn 36,91% (trong đó: tỷ lệ hộ nghèo là 24,91%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 12,0%) hoặc tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 24,91%; thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2023.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên hỗ trợ các nguồn lực lồng ghép vào các CTMTQG giảm nghèo bền vững góp phần giúp A Lưới thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, đặc biệt khó khăn, như: hỗ trợ đầu tư các công trình phục vụ trực tiếp cho sản xuất và dân sinh; hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo,hộ mới thoát nghèo, lao động có thu nhập thấp; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ việc làm bền vững, nhà ở, đất sản xuất,…

Song với việc ưu tiên bố trí nguồn lực, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác giảm nghèo bền vững. Phát huy ý chí tự lực, tự cường và vươn lên của các hộ nghèo nhằm thoát nghèo bền vững; phát động các phong trào thi đua sôi nổi trong lao động, sản xuất. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án, hoạt động về giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh thực hiện công tác lao động, việc làm.