Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tất cả các bộ, ban, ngành, các tổ chức và cộng đồng cần chung tay để bảo vệ trẻ em

(Dân sinh) - Phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em 2020 diễn ra sáng 1/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, hiện nay có nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức làm việc để chăm lo cho trẻ em. Tất cả các bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức, mọi người và cả cộng đồng xã hội phải cùng chăm lo cho trẻ em, bắt đầu từ trẻ em.

Trẻ em cần biết rõ quyền của trẻ em

Mở đầu phần phát biểu khai mạc Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hỏi tất cả các học sinh tham dự Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em có biết các Quyền trẻ em được quy định trong Luật Trẻ em 2016? Về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111: Gọi điện hoàn toàn miễn phí và trực 24/7?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ông hỏi bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam rằng: Trên thế giới có quốc gia nào Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và được truyền hình trực tiếp như Việt Nam không thì được bà Rana Flowers trả lời, Việt Nam là duy nhất!

Tất cả các bộ, ban, ngành, các tổ chức và cộng đồng cần chung tay để bảo vệ trẻ em - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các em nhỏ tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em 2020.

Theo Bộ trưởng, Tháng hành động vì trẻ em năm nay diễn ra trong bối cảnh Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg Về việc Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Phải khẳng định, Đảng, Nhà nước, nhân dân, cha mẹ và các thầy cô luôn dành cho trẻ em những tình cảm, chăm lo và phát triển tốt nhất. Trẻ em Việt Nam được sống trong môi trường an lành và phát triển.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng: "Trong bầu trời chung vẫn có những "đám mây đen" phảng phất. Dù "đám mây" rất nhỏ thôi nhưng nếu không cẩn thận cũng có lúc nó sẽ che mất mặt trời, che mất mặt trăng. Vì vậy, nhiệm vụ quan trong nhất của chúng ta là tan những đám mây đen đó. Những đám mây đen đó tuy rất ít nhưng là lời cảnh báo và nhiệm vụ của chúng ta là ngăn chặn nó lại, tiến tới đẩy lùi chúng không còn nữa".

Tất cả các bộ, ban, ngành, các tổ chức và cộng đồng cần chung tay để bảo vệ trẻ em - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trò chuyện cùng các em nhỏ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng quy định rất rõ trách nhiệm của từng ngành, thầy cô giáo, phụ huynh và của chính các em. Tuy nhiên, nếu các em không biết mình có bao nhiêu quyền thì không thể biết cách để tự bảo vệ mình. "Các tổ chức đoàn, đội cần lưu ý hơn việc tuyên truyền Luật trẻ em đến tất cả các em. Tôi đã gợi ý Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương nên tổ chức các cuộc thi, các diễn đàn để trang bị các kiến thức về quyền trẻ em", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin

Cũng tại Lễ phát động, Bộ trưởng nêu 4 nội dung cần phải triển khai. Đó là, các tổ chức, cơ quan phải cùng "chung tay" để bảo vệ trẻ em. Bởi theo Bộ trưởng, hiện nay có nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức làm việc để chăm lo cho trẻ em nhưng đâu đó vẫn đang còn rời rạc, thiếu liên kết. Chung tay ở đây là tất cả các bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức, mọi người và cả cộng đồng xã hội phải chăm lo cho trẻ em, bắt đầu từ trẻ em.

Tất cả các bộ, ban, ngành, các tổ chức và cộng đồng cần chung tay để bảo vệ trẻ em - Ảnh 3.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao lưu cùng các em nhỏ tham dự Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em 2020.

Thứ 2 là đổi mới công tác tuyên truyền từ truyền thông chính thống đến cách tiếp cận. Tuyên truyền từ chính các em để các em biết phòng ngừa, đề kháng với những gì tác động từ bên ngoài. Bộ trưởng lấy ví dụ cách truyền thông rất hiệu quả, rất hay đã được triển khai đó là in Logo, số điện thoại Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em lên quạt, bút, thước, … Cùng với đó là các thông điệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Thứ 3 là cần xử lý nghiêm tất cả các hành vi vi phạm đến xâm hại, bạo lực đặc biệt là thân thể trẻ em. Người đứng đầu của mọi cơ quan, đơn vị trước hết phải là người chịu trách nhiệm khi để xảy ra bạo lực, xâm hại trẻ em. "Nếu như trường học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ, gia đình để xảy ra bạo lực, xâm hại trẻ em thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Tôi mong rằng, xử lý các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em phải 3 Nhất: Phát hiện nhanh nhất, bất cứ ở đâu, bất cứ nơi nào nếu xảy ra và có biểu hiện có thể xảy ra bạo lực, xâm hại trẻ em thì hãy gọi ngay Tổng đài 111 để có cách ngăn chặn kịp thời ngay từ đầu. Thứ 2 là xử lý nhanh nhất, nghiêm minh nhất. Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em để xử lý vấn đề này. Ngành công an cũng đã và sẽ tiếp tục sửa đổi quy trình điều tra, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em. Thứ 3 là can thiệp nhanh nhất và tốt nhất cho các em, không để xảy ra tình trạng chậm trễ", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tất cả các bộ, ban, ngành, các tổ chức và cộng đồng cần chung tay để bảo vệ trẻ em - Ảnh 4.

Bộ trưởng yêu cầu thay đổi cách truyền thông và lấy ví dụ về việc in logo số điện thoại Tổng đài 111 lên quạt.

Bộ trưởng mong muốn, các tổ chức đổi mới phối hợp hành động và đặc biệt quan tâm đến các tổ chức xã hội, các nhân viên xã hội. Mỗi thầy cô giáo, tổng phụ trách đội, cán bộ các đoàn thể như: Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh, các anh chị đoàn viên thanh niên… phải thật sự là những cầu nối, những người chung sức, chung lòng vì trẻ em.

Thông qua lễ Phát động, Bộ trưởng yêu cầu truyền thông đến cả nước, mọi cơ quan, tổ chức, mọi người lớn, anh chị phụ trách hãy làm tròn trách nhiệm của mình, hãy nói đi đôi với làm. Hãy hành đồng vì trẻ em. Mọi trẻ em phải biết tự bảo vệ mình, trước hết tìm hiểu Luật trẻ em. Thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy. Bộ trưởng chúc các em thiếu nhi vui, khỏe và thật sự là những bông hoa tiêu biểu trong vườn hoa Bác Hồ.

Cần tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia

Phát biểu tại lễ Phát động, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, vẫn còn trẻ em đang phải đối mặt với một thực tế buồn đó là bạo lực và xâm hại ngay trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và trên mạng. Bạo lực và xâm hại làm tổn thương trẻ em cả về thể chất và tình cảm, tác động tiêu cực đến sự phát triển não bộ và khiến trẻ em phải chịu những chấn thương có thể kéo dài cả cuộc đời. Phòng ngừa xâm hại và hỗ trợ nạn nhân là thiết yếu – đảm bảo thủ phạm xâm hại trẻ em phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình là hết sức quan trọng.

Tất cả các bộ, ban, ngành, các tổ chức và cộng đồng cần chung tay để bảo vệ trẻ em - Ảnh 5.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu tại Lễ Phát động.

"Tôi hoan nghênh và đánh giá cao báo cáo gần đây của Quốc hội đánh giá các phương thức tiếp cận và giải pháp của Chính Phủ nhằm nâng cao công tác đấu tranh chống xâm hại trẻ em. Nếu như chúng ta muốn những đầu tư vào thế hệ trẻ sẽ đơm hoa kết trái trong tương lai, nếu chúng ta muốn thế hệ trẻ được nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn và sau này đem lại những thành quả cho đất nước – thì chúng ta phải bảo vệ các em khỏi bạo lực", bà Rana Flowers nhấn mạnh.

Rana Flowers đề xuất cần tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia: Để hệ thống này hướng tới các gia đình dễ bị tổn thương bởi đại dịch, đảm bảo hỗ trợ tiền mặt để tạo điều kiện cho các gia đình có thể chăm sóc, cung cấp dinh dưỡng và bảo vệ trẻ em tốt hơn. Đồng thời, đề xuất Bộ Tài chính để đảm bảo ngân sách phân bổ đảm bảo nguồn nhân lực cán bộ xã hội được đào tạo ở cấp tỉnh/thành và quận/huyện; cán bộ bảo vệ trẻ em cấp xã được đào tạo để phát hiện trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, can thiệp thông qua các cơ chế báo cáo, chuyển tuyến phù hợp và hỗ trợ nạn nhân.

Tất cả các bộ, ban, ngành, các tổ chức và cộng đồng cần chung tay để bảo vệ trẻ em - Ảnh 6.

Tiết mục văn nghệ tại chương trình.

Cải thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, bảo vệ tốt hơn tất cả trẻ em dưới 18 tuổi khỏi tất cả các hình thức sao nhãng, xâm hại, bạo lực và bóc lột – đảm bảo cha mẹ, thầy cô giáo, người chăm sóc trẻ em và chính trẻ em biết cách phòng ngừa, báo cáo tố giác và giải quyết các trường hợp xâm hại trẻ em. Nâng cao trách nhiệm giải trình của các ngành – giáo dục, y tế, công an và các ngành khác – để phòng ngừa và giải quyết các trường hợp bạo lực và xâm hại đối với trẻ em.

Đại diện cho trẻ em trên cả nước phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em, Đặng Thùy Linh, học sinh lớp 8A2, Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội nhấn mạnh: Chúng em mong muốn tha thiết được sống trong một thế giới hòa bình, tôn trọng và yêu thương. Em mong muốn được lãnh đạo tiếp tục dành nhiều sự quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ trẻ em, có nhiều chính sách và hành động thiết thực để ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, giúp các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có điều điện học tập và sinh hoạt tốt hơn. Các ban ngành, đoàn thể và nhà trường sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động ngoại khóa bổ ích và hấp dẫn giúp trẻ em nâng cao nhận thức về quyền lợi của mình, cũng như có thêm các kĩ năng tự bảo vệ bản thân và bảo vệ các bạn bè xung quanh.

Tất cả các bộ, ban, ngành, các tổ chức và cộng đồng cần chung tay để bảo vệ trẻ em - Ảnh 7.

Em Đặng Thùy Linh phát biểu.

"Chúng em cần nhiều hơn nữa sự yêu thương, tôn trọng và thấu hiểu của cha mẹ, thầy cô. Tuổi thơ là giai đoạn đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Và sẽ tuyệt vời biết bao nếu tất cả trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc và yêu thương đúng cách, để có một tuổi thơ đúng nghĩa, tràn ngập mơ ước và niềm vui", Thùy Linh chia sẻ.