Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tàu bệnh viện 1.000 giường của Hải quân Hoa Kỳ cập cảng Phú Yên

Tàu bệnh viện USNS Mercy của Hoa Kỳ đã cập cảng Vũng Rô (Phú Yên), đánh dấu điểm dừng chân đầu tiên trong khuôn khổ chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2022 (PP22).

Tàu bệnh viện USNS Mercy thuộc Bộ Tư lệnh hải vận quân sự Hoa Kỳ

Tàu bệnh viện USNS Mercy thuộc Bộ Tư lệnh hải vận quân sự Hoa Kỳ

Báo Pháp luật TP HCM đưa tin, ngày 19/6, tàu bệnh viện USNS Mercy

(T-AH19, được xem là tàu bệnh viện lớn nhất thế giới) thuộc Bộ Tư lệnh hải vận quân sự Hoa Kỳ đã cập cảng Vũng Rô ở thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Sự kiện này đánh dấu điểm dừng chân đầu tiên trong khuôn khổ chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2022 (PP22).

Theo thông tin từ Ban tổ chức PP22, đây là năm hoạt động thứ 17 của chương trình Đối tác Thái Bình Dương - một chương trình nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó thảm họa, viện trợ nhân đạo đa quốc gia hàng năm có quy mô nhất được thực hiện tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tại Việt Nam, từ ngày 20/6 đến 3/7, nhóm PP22 bao gồm các đại diện từ Australia, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ sẽ phối hợp cùng các đối tác Việt Nam tổ chức các hoạt động, dự án hỗ trợ cộng đồng.

Theo báo Người lao động, trong thời gian triển khai ở Phú Yên, Chương trình PP22 sẽ cung cấp các hoạt động chăm sóc y tế liên quan đến các lĩnh vực nội khoa và nha khoa; các hoạt động xây phòng học mới tại điểm trường Lam Sơn thuộc Trường Tiểu học An Thọ; Trường Tiểu học An Ninh Đông 1; và điểm trường Phước Hậu thuộc trường Tiểu học Xuân Đài và các hoạt động trao đổi chuyên môn liên quan đến quy trình ứng phó thảm họa.

Ngoài ra, Ban nhạc Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cũng sẽ biểu diễn cùng các nghệ sĩ của Việt Nam trong các chương trình giao lưu cộng đồng.

Đại tá Hải quân Hoa Kỳ Hank Kim, Chỉ huy trưởng PP22 cho biết, các thành viên của Chương trình Đối tác Thái Bình Dương rất mong được làm việc và học hỏi từ các đồng nghiệp Việt Nam.

"Đây là sự hợp tác thể hiện sự đoàn kết, giúp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia và giúp chúng ta luôn sẵn sàng phối hợp hiệu quả trong các trường hợp cùng tham gia ứng phó thiên tai, hay bất kỳ sự cố thảm họa nào. Tôi rất mong được chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn của đội ngũ tới các cơ quan tại Việt Nam và các quốc gia đối tác khác để chúng tôi có thể cùng nhau xây dựng các kỹ năng được tiếp tục duy trì sau khi kết thúc chương trình" - Đại tá Hank Kim bày tỏ.

Thông tin trên tờ VietNamnet, tàu USNS Mercy (T-AH-19) là con tàu đầu tiên trong lớp tàu bệnh viện Mercy của Hải quân Hoa Kỳ. Theo quy định của công ước Genève, USNS Mercy và thủy thủ đoàn không được mang theo bất kỳ thứ vũ khí tấn công nào, ngoại trừ vũ khí phòng vệ. Bất cứ hành động nào tấn công tàu Mercy đều được xem như tội ác chiến tranh.

Tàu có chiều dài 272,5m, chiều rộng 32,1m, trọng tải 69.360 tấn. Thủy thủ đoàn khi neo đậu: 12 nhân viên dân sự và 58 quân nhân. Thủy thủ đoàn khi hoạt động hết công suất 61 nhân viên dân sự và 1.214 quân nhân. Động cơ: Hai nồi hơi, hai tuabin GE, một ống thông hơi tổng công suất 24.500 mã lực. Vận tốc cực đại 17,5 hải lý/giờ. Tầm hoạt động không giới hạn (khi được tiếp tế).

Nhiệm vụ chính của tàu USNS Mercy là cung cấp các dịch vụ phẫu thuật và y tế di động sắc bén, linh hoạt và nhanh chóng để hỗ trợ thủy quân lục chiến, các lực lượng đặc nhiệm mặt đất và trên không, các đơn vị không quân và lục quân triển khai trên bờ, các lực lượng đặc nhiệm đổ bộ đường biển và các lực lượng chiến đấu trên mặt nước.

USNS Mercy luôn được nâng cấp đổi mới những trang thiết bị y khoa hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày một tốt hơn cho bệnh nhân.

Với đội ngũ bác sĩ hơn 300 người, 12 phòng mổ tiêu chuẩn kỹ thuật cao với khả năng thực hiện phẫu thuật đa khoa, chỉnh hình… có thể chữa trị cùng lúc cho hơn 1.000 bệnh nhân. Tàu bệnh viện của Hoa Kỳ được thiết kế với nhiệm vụ khám và chữa bệnh cho các binh sĩ hoạt động trên các tàu chiến, bên cạnh đó tàu bệnh viện cũng làm các nhiệm vụ nhân đạo quốc tế tại những nơi chiến sự hoặc gặp thiên tai trên khắp thế giới. Đồng thời tàu còn cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, phẫu thuật di động trong các nhiệm vụ cứu trợ quốc tế tại những vùng thiên tại hay chiến sự.