Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tây Nguyên: Mưa lớn trên diện rộng, nhiều nơi ngập trong biển nước

Tại tỉnh Đắk Lắk đã có mưa to đến rất to khiến nhiều địa phương bị ngập nặng, đường giao thông bị chia cắt. Do ảnh hưởng của cơn bão số 6, từ đêm 10/11 đến sáng nay

Theo báo Công an nhân dân: Tại địa bàn xã Cư Bông, huyện Ea Kar đã có hàng chục ha cây trồng bị nước cuốn trôi, nhiều nhà cửa của người dân bị ngập chìm trong biển nước. Ông Lê Viết Ngọ, trưởng Công an xã Cư Bông cho biết, đến sáng nay, trên địa bàn xã đã có hàng chục ha cây trồng bị nước cuốn trôi.

Tây Nguyên: Mưa lớn trên diện rộng, nhiều nơi ngập trong biển nước - Ảnh 1.

Một cây cổ thụ bị gió quật ngã trong trường học tại huyện M'đrắk( Ảnh Báo CAND)

Đặc biệt, tại tuyến đường liên thôn nối liền giữa 22 và 23 bị sạt lở, chia cắt khiến hàng trăm học sinh không thể đến trường. "Hiện trên địa bàn xã đang có mưa rất to, nước ở các sông suối đang dâng mạnh khiến nhiều tuyến đường giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương đang cắt cử lực lượng túc trực những nơi xung yếu để cảnh báo, giúp người dân khi cần thiết", ông Ngọ nói.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ 22h tối 10-11 đến sáng nay, do ảnh hưởng hoà lưu của cơn bão số 6, trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn xảy ra trên diện rộng, tập trung chủ yếu ở các huyện khu vực phía Đông, Đông Bắc và Đông Nam tỉnh như M'Drắk, Ea Kar, Krông Pắk, Krông Năng, Lắk, Krông Ana và Krông Bông.

Tây Nguyên: Mưa lớn trên diện rộng, nhiều nơi ngập trong biển nước - Ảnh 2.

Một tuyến đường tại xã Cư Bông bị cuốn trôi( Ảnh Báo CAND)

Tại huyện M'Drắk, nhà ở của 2 hộ dân khu vực thị trấn đã bị ngập lụt và đã được sơ tán tại chỗ an toàn, 4 ngầm tràn giao thông bị ngập sâu khoảng 0,5m đã được UBND huyện chỉ đạo cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm và tổ chức canh gác khu vực ngầm tràn bị ngập sâu.

Tại huyện Lắk đã xảy ra ngập lụt ở 6 thôn, buôn xã Đắk Liêng và 1 tổ dân phố ở thị trấn Liên Sơn. Đến 8h sáng nay, đã có tổng số khoảng 300 hộ có nhà bị ngập nước, hiện tại các hộ bị ngập đã được di dời, sơ tán an toàn. Diện tích sản xuất bị ngập lụt gồm 255ha lúa mới gieo sạ, 16ha ngô và 20ha khoai lang…

Theo Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh: Sáng 11/11, thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do ảnh hưởng của bão số 6 nên có khoảng 200.000 khách hàng ở Phú Yên, Bình Định, Kon Tum, Khánh Hòa bị ảnh hưởng cung cấp điện. Các đơn vị Điện lực tại miền Trung đã cố gắng xử lý sự cố lưới điện trong đêm 10/11, đến sáng nay đã khôi phục cấp điện được cho khoảng 40.000 khách hàng.

Tây Nguyên: Mưa lớn trên diện rộng, nhiều nơi ngập trong biển nước - Ảnh 3.

Bão số 6 làm cây đổ ở TP Tuy Hòa (Phú Yên). Ảnh: TẤN LỘC

Dự kiến đến hết ngày 11/11 sẽ cơ bản khôi phục cấp điện cho các khách hàng bị ảnh hưởng bão, ngoại trừ một số nơi ngập sâu, chia cắt buộc phải tạm thời cắt điện để chủ động đảm bảo an toàn.

Trước đó, khuya 10/11, bão số 6 đã đổ bộ vào các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp mạnh cấp 7, giật cấp 9. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới đi theo hướng tây và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Campuchia.

Hiện bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng vẫn gây mưa to đến rất to ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Khu vực Đông Nam bộ cũng bị ảnh hưởng. Một số nơi có lượng mưa trên 150 mm như Quảng Nam, Quảng Ngãi. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đánh giá ban đầu thiệt hại do bão số 6 gây ra không lớn. Có hai người chết do tai nạn khi chằng chống nhà cửa (một người ở Phú Yên bị điện giật, một người ở Bình Định bị trượt chân ngã). Ở Phú Yên đã xảy ra mất điện cục bộ. Khánh Hòa có 100 m kênh mương bị hư hỏng, 40 m đường giao thông bị sạt lở, chìm hai thuyền dưới 30CV vì bị đứt dây neo. Gần 500 ha hoa màu, lúa tại các tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 6 bị ngập úng, thiệt hại... Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm tra, đánh giá thiệt hại do bão gây ra. Các tỉnh bị ảnh hưởng do bão số 6 tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất... để sơ tán người dân. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến mưa lũ, tổ chức vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn công trình và hạ du cũng như nguồn nước phát điện phục vụ người dân.