Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thái Bình nên mở rộng không gian phát triển hướng ra biển, khai thác không gian biển

Thăm và làm việc tại Thái Bình ngày 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gợi mở, Thái Bình là tỉnh đất hẹp, người đông. Do đó phải mở rộng không gian phát triển hướng ra biển, khai thác không gian biển.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Thái Bình, sáng 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đến dự lễ  kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm huyện Tiền Hải (26/3/1962 - 26/2022), khánh thành Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Nam Cường, huyện Tiền Hải; khảo sát, kiểm tra tình hình đầu tư, xây dựng và hoạt động của Khu Kinh tế Thái Bình,  kiểm tra, làm việc tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) làm chủ đầu tư và dự lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Dự buổi lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm huyện Tiền Hải, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã cắt băng khánh thành Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương, trồng cây lưu niệm. Ghi sổ vàng lưu niệm, Thủ tướng mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiền Hải tiếp tục đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân để xây dựng huyện Tiền Hải ngày càng giàu mạnh, nhân dân được hưởng ấm no, hạnh phúc như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (trước gọi là Đền thờ Bác Hồ) được xây dựng năm 1994, ngay trên mảnh đất, nơi Bác Hồ đứng nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Nam Cường. Năm 2015, Khu lưu niệm được công nhận là Di tích cấp quốc gia.

Trải qua thời gian, Khu lưu niệm đã xuống cấp. Năm 2021, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trung ương và tỉnh, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được tu bổ, tôn tạo, mở rộng trên khuôn viên diện tích 1,27 ha; được quy hoạch, xây dựng tổng thể với nhiều hạng mục: gồm 1 nhà thờ chính, nhà tả vu và hữu vu, nhà khách, hồ nước … tạo sự hài hòa, đồng bộ về kiến trúc, cảnh quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu trồng cây tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu trồng cây tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tại Khu kinh tế (KKT), Thủ tướng khảo sát khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái (Green iP – 1). Sau khi nghe Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, lãnh đạo Công ty Cổ phần Green i-Park báo cáo về tình hình đầu tư, phát triển Khu kinh tế; phương án quy hoạch giao thông tỉnh giai đoạn 2021 – 2030 và phương án lấn biển, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và kết quả thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào khu công nghiệp Liên Hà Thái; Thủ tướng cho biết Trung ương rất quan tâm tới việc phát triển KKT Thái Bình, đây là KKT rất quan trọng với Thái Bình. Thủ tướng gợi ý, Thái Bình đất hẹp người đông, trước đây, tiền nhân đã khai phá huyện Tiền Hải của tỉnh Thái Bình. Đến nay, KKT Thái Bình mới chủ yếu phát triển trên đất liền, cần đưa tỉnh phát triển hướng ra biển, khai thác không gian biển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác nghe lãnh đạo công ty Green iP – 1 báo cáo về kết quả thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào khu công nghiệp Liên Hà Thái

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác nghe lãnh đạo công ty Green iP – 1 báo cáo về kết quả thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào khu công nghiệp Liên Hà Thái

Thủ tướng nhấn mạnh, KKT Thái Bình cần xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, liên thông, đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng điện nước và hạ tầng xã hội như nhà ở công nhân, hạ tầng môi trường.

Đối với phát triển hạ tầng, tỉnh cần dồn lực nguồn vốn đầu tư công để hoàn thiện hạ tầng kết nối KKT, trước hết là dự án đường ven biển kết nối sớm với sân bay Cát Bi, cảng Lạch Huyện của Hải Phòng.

Về các phương án triển khai xây dựng KKT, Thủ tướng gợi ý về mô hình lãnh đạo công - quản trị tư. Quản trị công là xây dựng thể chế, quy hoạch, chiến lược, xây dựng hạ tầng tới chân hàng rào KKT…; quản trị tư là giao cho nhà đầu tư lớn vận hành, kêu gọi, thúc đẩy các nhà đầu tư khác.

Về phát triển khu công nghiệp Liên Hà Thái, Thủ tướng gợi ý, tỉnh và nhà đầu tư hạ tầng cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ như huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng; trong đó chú trọng làm trước giải phóng mặt bằng khu tái định cư cho người dân bị thu hồi đất. Công tác an sinh xã hội rất quan trọng nên phải quan tâm đầu tiên. Hạ tầng giao thông phải đồng bộ, kết nối.

Thủ tướng Chính phủ gợi mở, Thái Bình là tỉnh đất hẹp, người đông. Do đó phải mở rộng không gian phát triển hướng ra biển, khai thác không gian biển.

Thủ tướng Chính phủ gợi mở, Thái Bình là tỉnh đất hẹp, người đông. Do đó phải mở rộng không gian phát triển hướng ra biển, khai thác không gian biển.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thái Bình phải xác định người dân là đối tượng được hưởng lợi từ KKT, chứ không phải bị ảnh hưởng, bảo đảm đời sống của người dân đã nhường mặt bằng cho dự án ở nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước....

Làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Thủ tướng cho biết: Với tầm quan trọng của dự án, thời gian qua dự án đã được các cấp Lãnh đạo Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ các thời kỳ đã quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt với tinh thần khắc phục khó khăn để khôi phục dự án. Đặc biệt, từ tháng 7/2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt, sát sao, đồng thời thường xuyên động viên, chia sẻ trách nhiệm, giải quyết các khó khăn, vướng mắc với mục tiêu phục hồi Dự án, sớm đưa vào vận hành, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình và khu vực Bắc Bộ.

Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác tặng quà cho cán bộ, công nhân viên Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác tặng quà cho cán bộ, công nhân viên Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Đến nay, dự án đã có chuyển biến tích cực, hoàn thành các mốc tiến độ quan trọng, cụ thể là tiến độ tổng thể đạt 93%, dự án đã hoàn thành mốc hòa lưới điện bằng dầu Tổ máy số 1.  Đây là dấu mốc rất quan trọng để khẳng định chất lượng thiết bị, công tác lắp đặt và khả năng tổ chức lại các dự án khó khăn của PVN. Dấu mốc này sẽ tạo tiền đề quan trọng cho sự thành công của các mốc tiếp theo (mốc đốt than lần đầu 16/6/2022; phát điện thương mại Tổ máy 1 vào 30/11/2022, Tổ máy 2 vào 31/12/2022)....

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên công nhân Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên công nhân Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Tại lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình. Thủ tướng cùng đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Thái Bình và nhà thầu thi công đã ấn nút khởi công xây dựng tuyến đường.

Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công dự lễ khởi công xây dựng tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình

Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công dự lễ khởi công xây dựng tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình có tổng chiều dài 8,4km, điểm đầu giao với quốc lộ 10 tại Km59+950 (lý trình quốc lộ 10), thuộc địa phận xã Tự Tân (Vũ Thư); điểm cuối tại nút giao với đường Chu Văn An, thuộc địa phận xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình). Tuyến đường được đầu tư xây dựng theo quy mô thiết kế đường phố chính đô thị chủ yếu; vận tốc thiết kế 80km/giờ, bề rộng mặt đường xe chạy 20,5m. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.039 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.  

Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Thái Bình và nhà thầu thi công ấn nút khởi công xây dựng tuyến đường.

Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Thái Bình và nhà thầu thi công ấn nút khởi công xây dựng tuyến đường.

Tuyến đường được đầu tư xây dựng nhằm kết nối với các tuyến đường nội đô trong thành phố, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn, tạo trục trung tâm cửa ngõ của thành phố, nối tỉnh Thái Bình với các tỉnh trong khu vực và cả nước, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân trong vùng, giảm bớt lưu lượng xe qua trung tâm thành phố, thúc đẩy giao lưu kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế của các khu vực phía Nam TP. Thái Bình và các vùng lân cận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Dự án do liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Thăng Long (DragonGroup), Công ty Cổ phần 873 Xây dựng Công trình giao thông, Công ty Cổ phần Xây dựng cầu 75 trúng thầu thực hiện. Thời gian thực hiện dự án không quá 4 năm kể từ ngày khởi công.