Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thái Nguyên hỗ trợ việc làm cho người nghèo

(Dân sinh) - Sau học nghề, người lao động được các đơn vị dạy nghề giới thiệu việc làm hoặc tự tạo việc làm để có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.

Định Hóa (Thái Nguyên) tập trung mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo (Ảnh minh họa)

Định Hóa (Thái Nguyên) tập trung mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo (Ảnh minh họa)

Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch đầu tư hơn 33,2 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, riêng vốn dành cho Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), việc làm bền vững là gần 11 tỷ đồng.

Mục tiêu Dự án đặt ra là có 100% người lao động (NLĐ) thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được học nghề phù hợp. Sau học nghề, NLĐ được các đơn vị dạy nghề giới thiệu việc làm hoặc tự tạo việc làm để có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững. Mục tiêu đó được phân bổ thành 4 tiểu dự án.

Tiểu dự án 1 là phát triển GDNN cả về quy mô, chất lượng đào tạo; hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, cận nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Tiểu dự án này có kinh phí thực hiện hơn 6,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương gần 6 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 800 triệu đồng.

Tiểu dự án 2 chủ yếu cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho NLĐ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Với kinh phí hỗ trợ gần 4,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 3,6 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương; Kế hoạch thực hiện các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Tiểu Dự án 3, Tiểu Dự án 4 có tổng kinh phí là 300 triệu đồng.

2 hạng mục này tập trung phân tích, dự báo thị trường lao động, gắn kết giữa đào tạo nghề với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. 2 tiểu dự án 3 và 4 có 100 doanh nghiệp tham gia, 300 NLĐ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công.

Để triển khai thực hiện Dự án phát triển GDNN và việc làm bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở; ưu tiên các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.