Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tháng Bảy đi về nơi bất tử

Mỗi năm, khi tháng Bảy về, là đoàn chúng tôi lại ra ga Hà Nội về “miền đất lửa” thiêng liêng Quảng Trị, nơi có các anh, các chị đang ngủ yên trong lòng đất mẹ tại các nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Đường 9, Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn…

Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn với hàng nghìn ngôi mộ nằm cạnh nhau, thẳng hàng trải dài trên đồi núi mênh mông.

Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn với hàng nghìn ngôi mộ nằm cạnh nhau, thẳng hàng trải dài trên đồi núi mênh mông.

Ban mai nơi vĩnh hằng

Chuyến tàu đêm chở những giấc ngủ chập chờn. Sớm tinh mơ, khi bình minh chưa ló rạng, tất cả còn chìm trong giấc ngủ say, cũng là lúc chuyến tàu dừng tại ga Đông Hà (Quảng Trị).

Đến Quảng Trị những ngày tháng Bảy, ai ai cũng thấy mảnh đất chứa lượng bom rơi, đạn nổ nhiều nhất cả nước đang hồi sinh mạnh mẽ, những ngôi nhà san sát bình yên. Chiếc xe chạy trên những con đường sạch đẹp, chở chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Phía trước mặt, hàng nghìn ngôi mộ nằm cạnh nhau, thẳng hàng trải dài trên đồi núi mênh mông. Nhìn từ xa, nơi đây như được phủ bởi một tấm khăn voan trắng khổng lồ, những hạt sương đêm còn vương trên ngọn cỏ, chúng tôi rón rén bước chân vì sợ làm các anh tỉnh giấc.

Gió sớm mai dường như cũng bắt đầu thức dậy, len lỏi tới từng hàng bia mộ như muốn đánh thức các anh. Phía rặng phi lao, mặt trời đang lấp ló, Nghĩa trang Trường Sơn như những chùm “hoa nắng” rực rỡ tỏa rạng giữa bạt ngàn. Cả đoàn vội mở túi hành trang mang theo từ Thủ đô là những nén nhang trầm, bao thuốc thơm, gói kẹo… được chúng tôi chia đều và kính cẩn dâng lên trước những phần mộ.

Chẳng phải lần đầu chúng tôi thắp nén tâm nhang cho người dưới mộ, nhưng mỗi lần là một tâm trạng, một cảm xúc khác nhau, để rồi mắt ai cũng nhòe lệ trong làn khói hương nghi ngút.   Lần nào cũng thế, cả đoàn lặng yên rất lâu nơi những hàng mộ của các liệt sĩ chưa xác định được thông tin cho tới khi điếu thuốc thơm cháy lụi. Sống mũi cay cay, tôi nhẹ áp lòng bàn tay nơi tấm bia mộ để người ở nơi xa có thể thấy ấm lòng.

Nén hương tri ân các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.

Nén hương tri ân các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.

Đốt thêm bó hương trầm, chắp tay kính cẩn vái chào các anh, cả đoàn bước đi trên con đường nhỏ quanh co với ánh ban mai xuyên dưới những tán lá, khiến con đường bỗng trở nên huyền ảo vô cùng. Chúng tôi đến với khu mộ tử sĩ, nơi có mộ của tử sĩ Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1952 ở Thạch Hà, Hà Tĩnh. Mộ chị Vân đặt ở góc phải của khu mộ, rợp bóng cây rừng với nhiều loài hoa thơm.

Chúng tôi “quen” chị Vân qua anh Hồ Đăng Bình, quản trang. Anh Bình cho biết, gia đình chị Vân đã biết chị nằm ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên hàng năm không thể vào thăm chị. “Để cho phần mộ bớt lạnh lẽo, tôi đã nhận với gia đình trách nhiệm sẽ hương khói cho cô Vân như người thân trong nhà. Tết đến, tôi vẫn mời về nhà hưởng cỗ mà không biết cô có về không?", anh Bình xúc động nói.

Kể từ đó, như có sợi dây vô hình gắn kết giữa chị với chúng tôi. Đặc biệt, thành viên trong đoàn là nhà báo Chử Hà đã coi chị như người chị thân thiết, nên mỗi dịp về đây, chị Chử Hà đều tự tay sắm sửa quần áo, nữ trang, giày, dép… mang vào biếu chị.

Vẫn góc nhỏ thân quen, “nhà” của chị đây rồi, sạch sẽ và thoáng mát, phía trước mộ một khóm hoa rừng rung rinh khoe sắc. Cúi đầu thành kính chào chị, chúng tôi nâng niu xếp gọn đồ lên phần mộ, rồi nấn ná ngồi bên chị chẳng muốn rời. Dưới làn khói hương trầm nghi ngút, tuy âm dương cách trở nhưng ở nơi xa, tin rằng chị đã cảm nhận được sự có mặt của chúng tôi.

Về đây đồng đội ơi!

 Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 mênh mang một màu trắng, màu xanh của mây trời Quảng Trị.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 mênh mang một màu trắng, màu xanh của mây trời Quảng Trị.

Dời Nghĩa trang Trường Sơn khi nắng đã quá đỉnh đầu, tới Nghĩa trang quốc gia Đường 9, ngay ngoài cổng, chúng tôi gặp rất nhiều đoàn cựu chiến binh quân phục chỉnh tề từ các nơi về viếng nghĩa trang. Trong sương khói trầm mặc, Nghĩa trang Đường 9 mênh mang một màu trắng, màu xanh dịu dàng của cây rừng, của muôn loài hoa đua nở. Dòng người tỏa ra thắp hương trên từng phần mộ, những cựu chiến binh già tìm thấy nơi an nghỉ của đồng đội mình đã nghiêm trang đứng chào. Cùng với đó là những tiếng nấc nghẹn lòng, họ khóc vì mình may mắn còn sống, còn được về đây để thắp cho đồng đội nén hương và châm điếu thuốc cùng nhớ lại những ngày chiến đấu ác liệt...

Kế bên khu mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin là những mái đầu bạc phơ với bước chân dò dẫm, bàn tay gầy guộc run run của các mẹ như cố để ôm gọn tấm bia mộ trong lòng, để vỗ về như khi các anh còn thơ dại, miệng mẹ lầm rầm khấn, tay lập cập lần trong túi áo lấy chiếc khăn chấm nơi khóe mắt. Bắt gặp hình ảnh ấy khiến mắt tôi nhòa lệ. Ai có mặt ở đây lúc này cũng vậy, xúc động vô cùng trước tình mẫu tử thiêng liêng.

Thắp hương tri ân các liệt sĩ tại nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9.

Thắp hương tri ân các liệt sĩ tại nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9.

Cả nghĩa trang lúc này đã phủ dày một màu khói trắng của những nén hương thơm. Tôi bước đi giữa những hàng mộ trắng thẳng tăm tắp, lặng lẽ cùng đoàn thắp nén hương lên đài tưởng niệm, rồi dừng chân ở từng ngôi mộ, giọng nghèn nghẹn khi đọc trên những bia mộ ghi tên tuổi, quê quán những người đang ngủ yên trong lòng đất mẹ.

Nhè nhẹ những bước chân

Tháng Bảy, trời Quảng Trị như cao và xanh hơn. Từ Nghĩa trang Đường 9, đoàn chúng tôi đến Thành cổ Quảng Trị khi trời đã ngả về chiều.

Thành cổ Quảng Trị những ngày tháng Bảy.

Thành cổ Quảng Trị những ngày tháng Bảy.

Thành cổ, trước mắt chúng tôi là một không gian mát dịu, những thảm cỏ mềm với nhiều mùi hương hoa thơm ngát. Ngay khi bước qua bức tường thành cổ kính, biểu tượng ngôi mộ chung hiện ra trước mắt, cả đoàn lặng lẽ, nhẹ nhàng và kính cẩn. Không ai nói với ai, nhưng tất cả đều nhẹ bước, bởi chúng tôi biết nơi đây, mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu đào.

Riêng tôi, đến Thành cổ lần nào cũng vậy, luôn ngổn ngang với những cảm xúc khó nói thành lời, tay thắp hương mà mắt cứ rưng rưng. Bởi, trên mảnh đất này, bố tôi cũng đã nhiều lần cùng đồng đội vào sinh ra tử, nhưng ông may mắn hơn họ là được trở về lành lặn… Đến với Thành cổ Quảng Trị không chỉ là đến một di tích lịch sử mà còn là đến với một nghĩa trang không nấm mồ. Ở Thành cổ, các anh, các chị chỉ có một ngôi mộ tập thể, một nấm mộ chung đó chính là “Đài tưởng niệm trung tâm”.

Bên bờ sông Thạch Hãn.

Bên bờ sông Thạch Hãn.

Cứ mải mê với dòng ký ức về Thành cổ qua những trang sách, câu chuyện kể để thấy được sự đổi thay hôm nay nơi mảnh đất thiêng liêng. Bỗng giọng nghẹn ngào của người hướng dẫn viên nói về cuộc chiến Thành cổ khiến tôi bừng tỉnh. Đưa mắt nhìn quanh, những giọt nước mắt hòa với sự khâm phục lan toả trong đáy lòng của mỗi người.

Chiều muộn, Thành cổ Quảng Trị nắng đã nhạt dần, nén hương trầm tan trong dòng khói lơ đãng bay theo gió, hẳn vong linh các anh đã cảm nhận được sự có mặt của chúng tôi. Tạm biệt Thành cổ Quảng Trị, có lẽ chưa hết xúc động nên chúng tôi ai cũng lặng lẽ, trầm tư.

Rảo bước khi nắng chiều xiên nghiêng trên dòng sông Thạch Hãn. Bên bờ, dùng một tấm xốp, chúng tôi bày biện đoá cúc, bông hồng đẹp nhất, trắng tinh khôi, điếu thuốc thơm, gói bánh, gói kẹo, thẻ nhang… được xếp gọn gàng. Xong xuôi, cả đoàn cùng nhẹ tay nâng rồi thả theo dòng nước, nhờ gió gửi tới các anh, các chị ở nơi sâu thẳm…

Thả hoa bên sông Thạch Hãn.

Thả hoa bên sông Thạch Hãn.

Và vẫn như mọi lần như có ai níu bước, trên bờ, chúng tôi vẫy tay chào tạm biệt cho đến khi tấm xốp chỉ còn là chấm nhỏ mờ xa, cả đoàn mới lặng lẽ bước đi, nhưng đầu còn ngoái lại rồi vội vàng đưa tay dụi mắt. Hoàng hôn hắt dài trên vạt cỏ, bỗng mặt nước như vừa được nhuộm đỏ...

Chia tay Quảng Trị khi trời xâm xẩm tối với một tâm trạng bịn rịn không muốn xa. Vậy là tôi lại ghi vào sổ tay thêm chuyến hành trình nữa về “miền đất lửa” thiêng liêng, hào hùng Quảng Trị. Tuy chỉ trong thời gian rất ngắn nhưng đã để lại trong lòng mỗi người những cảm xúc khó quên.

Chuyến tàu đêm từ ga Đông Hà lại mang theo giấc ngủ của chúng tôi về tới Thủ đô khi mặt trời chưa mọc.