Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hóa: Đẩy mạnh truyền thông thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm 10 dự án thành phần. Hội LHPN Việt Nam được giao chủ trì Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thực hiện tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó có Thanh Hóa. Trong 3 năm thực hiện, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã tập trung tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Dự án 8 được thực hiện tại 96 xã, 318 thôn đặc biệt khó khăn của 12 huyện, thị xã tại Thanh Hóa gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Thạch Thành, Triệu Sơn và thị xã Nghi Sơn.

Mục tiêu của Dự án 8 là nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại vùng đặc biệt khó khăn.

Chương trình giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình.

Chương trình giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình.

Trong đó, Dự án tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục lạc hậu và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng…

Để hoạt động của dự án thực sự đi vào đời sống, đạt hiệu quả, kể từ khi triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ nói chung và người dân vùng đồng bào DTTS&MN nói riêng về mục đích, ý nghĩa của dự án, từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nếp nghĩ, cách làm, xoá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của Nhân dân các dân tộc ở vùng đồng bào DTTS&MN; từng bước xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng các dân tộc nói chung và dân tộc thiểu số nói riêng.

“Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo xây dựng 3 mô hình điểm: “Tổ truyền thông cộng đồng” tại thôn Giỏi, xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc; “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại xã Trung Tiến, huyện Quan Sơn; mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát. Đây là những mô hình nòng cốt hoạt động của dự án để nhân rộng…”, bà Bùi Thị Mai Hoan, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa cho biết.

HLHPNTT

Đến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng, cấp phát, in ấn trên 2.000 cuốn tài liệu hướng dẫn vận hành mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Tổ chức 670 buổi sinh hoạt định kỳ và chuyên đề tại các mô hình, CLB; Viết gần 3.000 tin, bài về hoạt động của các cấp Hội trong thực hiện dự án; các điển hình, mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo; Tổ chức 17 hội nghị đối thoại chính sách cấp xã, huyện; 80 cuộc nói chuyện chuyên đề cho gần 20.000 người tham gia; Các cấp Hội tổ chức 247 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số các cấp tại địa bàn dự án gồm cán bộ nữ trong quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, cán bộ nữ mới bổ nhiệm, cán bộ nữ mới trúng cử lần đầu; kiến thức về bình đẳng giới; kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, và người có uy tín trong cộng đồng; kiến thức, kỹ năng về quản lý, điều hành mô hình, kiến thức về bình đẳng giới, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em cho 8.170 thành viên. Tổ chức 241 sự kiện truyền thông về bình đẳng giới, định kiến giới, phòng chống bạo lực gia đình, xóa bỏ định kiến giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em cho 35.127 cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân thuộc vùng dự án...

“Đặc biệt, trong cuộc thi “Sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng đồng bào DTTS&MN” lần thứ nhất, với tên gọi “Lắng nghe con nói” tại CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” đã có 150 tác phẩm dự thi là tranh vẽ và video. Trong đó, nhóm tác giả tham gia cuộc thi là thành viên Tổ truyền thông cộng đồng của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý, huyện Mường Lát đã hoàn thành tác phẩm tranh vẽ “Điều ước của con”. Tác phẩm nói lên mong ước trẻ em gái được bố mẹ cho đi học như các trẻ em trai. Suy nghĩ tiến bộ và đơn giản của trẻ em DTTS&MN còn nhiều khó khăn đã được khắc họa trong tranh sinh động, được ban giám khảo đánh giá cao ở tính sáng tạo, cách xây dựng ý tưởng tuyên truyền về giới, bình đẳng giới, đã truyền thông điệp thay đổi nhận thức về giới để trẻ em gái được bình đẳng như trẻ em trai về mọi mặt…”, bà Hoan thông tin thêm.

“Có thể nói, các hoạt động của Dự án 8 được triển khai bám sát yêu cầu định hướng nội dung của Dự án, vừa mang tính toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Các mô hình, hoạt động triển khai đã được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới, trao cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái được khẳng định vai trò trong gia đình và tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng…”, bà Hoan chia sẻ.