Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hóa: Nỗ lực đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

Vượt qua những khó khăn hạn chế về nguồn lực đầu tư cùng với sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của người dân, tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới (NTM).

Những kết quả tích cực

Năm 2022, cùng với nguồn vốn Trung ương, của tỉnh hỗ trợ xây dựng NTM; nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực khác, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn trên 1.012 km đường giao thông nông thôn; 527 km kênh mương và rãnh thoát nước; 102 công trình thủy lợi; 1.105 phòng học các cấp; 32.593 km đường điện, 81 trạm biến áp; 32 trung tâm văn hóa, thể thao xã, 322 nhà văn hóa thôn; 23 chợ nông thôn; 23 trạm y tế xã; 06 công trình công sở xã; 18 công trình cấp nước sinh hoạt; 02 công trình bãi chứa rác thải tập trung và xử lý ô nhiễm môi trường và 29 nghĩa trang theo quy hoạch; xây dựng mới và chỉnh trang trên 20 nghìn nhà ở dân cư…Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao Quyết định Công nhận đạt chuẩn NTM của Thủ tướng Chính phủ và tặng hoa cho đại diện lãnh đạo, chính quyền và Nhân dân các huyện Triệu Sơn, Nông Cống và Thiệu Hóa.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao Quyết định Công nhận đạt chuẩn NTM của Thủ tướng Chính phủ và tặng hoa cho đại diện lãnh đạo, chính quyền và Nhân dân các huyện Triệu Sơn, Nông Cống và Thiệu Hóa.

Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững. Mặc dù chịu tác động bất lợi của giá xăng dầu, giá vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng năm 2022 sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn đạt kết quả khá; Tốc độ tăng trưởng đạt 3,65%, vượt 0,05% kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay; Sản lượng lương thực 1,585 triệu tấn; Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao 7.734 ha, đạt 100,5% kế hoạch; Tỷ lệ che phủ rừng 53,6%, đạt 100% kế hoạch; Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh 97%, đạt 100% kế hoạch, (trong đó, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn đuợc sử dụng nuớc hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt 60%). Việc củng cố, phát triển hợp tác xã được quan tâm; Toàn tỉnh Thanh Hóa có 749 hợp tác xã và 02 liên hiệp hợp tác xã, 841 trang trại, 1.147 tổ hợp tác trong nông nghiệp; 51 HTX có sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng.

Tỉnh Thanh Hóa hiện đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, có 349 xã, 904 thôn, bản (trong đó có 692 thôn bản miền núi) đạt chuẩn NTM; 65 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10 xã, 246 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 292 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được xếp hạng từ 3-4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao. Toàn tỉnh Thanh Hóa phấn đấu năm 2023 có thêm 1 huyện đạt chuẩn NTM; 17 xã đạt chuẩn NTM; 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 120 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường, đẩy mạnh việc thực hiện phát triển sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã đã đầu tư, liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, sản xuất lúa giống, chế biến nông, lâm sản, cơ giới hóa đồng bộ, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022 đã tạo việc làm mới cho 58.950 lao động; trong đó, đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 10.920 lao động, tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 70.100 người; quyết định trợ cấp thất nghiệp cho 24.412 lao động. Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2022 là 6,08% (44.222 hộ), giảm 2,14% so với năm 2021; tỷ lệ hộ cận nghèo là 8,18% (59.487 hộ), giảm 2,39% so với năm 2021.

Hội đồng thẩm định, đánh giá các sản phẩm đạt chuẩn OCOP

Hội đồng thẩm định, đánh giá các sản phẩm đạt chuẩn OCOP

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa cho biết, tổng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trong năm 2022 đạt hơn 7.744 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Nhà nước trực tiếp cho Chương trình hơn 4.683 tỷ đồng; Vốn tín dụng hơn 794,5 tỷ đồng; Vốn doanh nghiệp, HTX hơn 192,6 tỷ đồng; Vốn huy động từ cộng đồng dân cư (bao gồm tiền mặt và giá trị ngày công lao động, vật tư, vật liệu, hiến đất) hơn 1.279,9 tỷ đồng. Năm 2022,  tỉnh Thanh Hóa có thêm TP Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt 50% kế hoạch), 8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 44% kế hoạch); 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 86% kế hoạch); 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 71% kế hoạch), 134 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh (đạt 112% kế hoạch). Bình quân toàn tỉnh Thanh Hóa đạt 17,72 tiêu chí NTM/xã (tăng 0,2 tiêu chí/xã so với năm 2021).

Xây dựng sản phẩm OCOP là một thế mạnh

Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa, các sở, ban ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố bám sát hướng dẫn của Trung ương, kế hoạch của tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai các hoạt động phát triển sản phẩm OCOP. Các địa phương đã rà soát và đăng ký 130 sản phẩm có lợi thế đưa vào kế hoạch để hỗ trợ, phát triển sản phẩm và đánh giá theo chu trình OCOP năm 2022.

Đóng chai sản phẩm nước mắm đạt chuẩn OCCOP trên dây chuyền hiện đại

Đóng chai sản phẩm nước mắm đạt chuẩn OCCOP trên dây chuyền hiện đại

Nhằm giúp các cấp, các ngành, thành phần kinh tế tư nhân, tập thể trên địa bàn hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách thức triển khai thực hiện Chương trình OCOP, qua hơn 4 năm triển khai, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tập huấn cho khoảng 7.300 lượt người là lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, hội, đoàn thể các cấp, doanh nghiệp, HTX và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến Chương trình OCOP. Đồng thời, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025. Trong đó, có các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Cùng với đó, các địa phương cũng xây dựng các chương trình hỗ trợ để thực hiện chương trình, như lồng ghép nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP.

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa có 292 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao và 235 sản phẩm 3 sao của 204 chủ thể thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố. Để phát triển sản phẩm OCOP, các sở, ngành, địa phương đã chú trọng, quan tâm đến công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Tỉnh Thanh Hóa đã Tham gia hội nghị “Phát triển chuỗi giá trị mây, tre tỉnh Thanh Hóa gắn với xây dựng sản phẩm OCOP” do tổ chức USAID tài trợ. Đấu mối, phối hợp với tỉnh Bắc Ninh để các chủ thể OCOP tỉnh Thanh Hóa tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại Hội chợ triễn lãm thương mại và sản phẩm OCOP - tỉnh Bắc Ninh năm 2022. Tổ chức 6 gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại lễ công bố 3 huyện: Thiệu Hóa, Nông Cống, Triệu Sơn đạt chuẩn NTM; 12 gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại Lễ kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn, 5 năm thành lập TP Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa và khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2022; Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa chủ trì tổ chức 4 gian hang trưng bày sản phẩm OCOP tại sự kiện “Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022” tại TP Sơn La. Sở Công Thương Thanh Hóa đã phối hợp với Sở Công Thương Quảng Nam để hỗ trợ 30 doanh nghiệp với 200 mặt hàng của Thanh Hóa tham gia Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022, trong đó: 02 gian hàng OCop và 01 gian hàng làng nghề truyền thống. UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị Kết nối cung – cầu sảm phẩm nông sản thực phẩm an toàn, tỉnh Thanh Hóa năm 2022…

Thông qua các hoạt động xúc tiến, nhiều sản phẩm OCOP đã mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, như mắm tôm, mắm tép Lê Gia (Hoằng Hóa) đã xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của huyện Nga Sơn xuất khẩu trực tiếp và bán tại các siêu thị ở Hoa Kỳ; ghế tre thư giãn cao cấp huyện Hà Trung xuất khẩu đi các thị trường châu Âu; sản phẩm dứa đóng hộp, ngô ngọt đóng hộp huyện Nông Cống xuất khẩu đi các nước Trung Đông, Nga, châu Âu... Bằng hình thức trực tiếp hoặc qua nền tảng số trên sàn thương mại điện tử Voso.vn và sàn thương mại điện tử Postmart.vn… các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đã được bán rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành phố, như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh... Doanh thu của sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng trưởng bình quân từ 15% trở lên, góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của tỉnh…