Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hóa thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế

Ngày 19/10, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế" và gặp mặt nữ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện của tỉnh Thanh Hóa nhân kỷ niệm 93 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Thông tin tại hội thảo, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành đã triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác bình đẳng giới theo chức năng quản lý và nhiệm vụ được giao. Kết quả đến nay, công tác bình đẳng giới đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, 20 chỉ tiêu thuộc 6 nhóm mục tiêu theo định hướng của Chiến lược quốc gia giai đoạn 2021-2030 đều được thực hiện đảm bảo lộ trình và kế hoạch đề ra”.

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội thảo

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội thảo

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong lĩnh vực chính trị, tỉnh Thanh Hóa có 417/1.194 cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, chiếm tỷ lệ 35,52%, trong đó: 6/17 các sở, ban, ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ; 19/54 cơ quan chính quyền địa phương cấp huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm tỷ lệ 35,2%; 398/1.118 cơ quan chính quyền địa phương cấp xã có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 35,6%.

Trong lĩnh vực kinh tế, lao động từ các huyện, thị xã, thành phố có 488.215 nữ lao động làm công hưởng lương, đạt tỷ lệ 48,94% tổng số lao động làm công hưởng lương trên địa bàn tỉnh. Ước tính tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm là 40,37%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, 1.200 doanh nghiệp/hợp tác xã có nữ làm giám đốc/chủ doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 40%, tăng 13% so với năm 2020.

Các đại biểu tham dự tại hội thảo

Các đại biểu tham dự tại hội thảo

Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: Tỷ lệ người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản là 83%, tăng 33% so với năm 2020. Tỷ lệ người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn là 83%, tăng 13% so với năm 2020. Tỷ lệ nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng là 100%. Tỷ lệ cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là 50%, tăng 35% so với năm 2020.

Trong lĩnh vực y tế, 6 tháng đầu năm, tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ em trai/100 trẻ em gái sinh ra sống) là 112,5/100, giảm 1,5 so với năm 2021; tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản/100.000 trẻ sinh sống là 0/100.000; tỷ suất sinh ở vị thành niên/1.000 phụ nữ là 27,29/1.000…

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nội dung về giới, bình đẳng giới đã được đưa vào chương trình giảng dạy cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin, truyền thông về bình đẳng giới vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hằng năm. Trẻ em trai dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học là 95,51%; tỷ lệ trẻ trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học là 95,72%; tỷ lệ trẻ em trai dân tộc thiểu số hoàn thành cấp trung học cơ sở là 99,14%; tỷ lệ trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành cấp trung học cơ sở là 99,5%...

Trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, tỷ lệ dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới là 67%, tăng 12% so với năm 2020. Tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới là 90%, tăng 10% so với năm 2020...

Tại hội thảo, Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã thông tin một số nội dung chủ yếu về thực trạng và giải pháp trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới lĩnh vực chính trị, kinh tế.

Hội thảo nhằm giúp các đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp để phát huy những mặt tích cực, khắc phục những hạn chế, khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị và kinh tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; từ đó góp phần quan trọng trong việc thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo định hướng của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.